Ngày 30/5, phe đối lập ở Xyri ra tối hậu thư yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad trong vòng 48 giờ phải tuân thủ kế hoạch hòa bình sáu điểm do Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL), ông Kofi Annan đưa ra nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 14 tháng nay tại nước này.
Một người phát ngôn của lực lượng Quân đội Tự do Xyri (SFA) tuyên bố: "Lãnh đạo SFA thông báo cho chính quyền hạn chót đến 12h00 giờ địa phương (tức 9h00 giờ GMT) ngày 1/6 phải thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, nếu không chúng tôi sẽ từ bỏ mọi cam kết và có hành động bảo vệ dân thường, các làng mạc và thành phố".
Tối hậu thư được đưa ra vài ngày sau vụ thảm sát đẫm máu tại làng Houla, miền Trung Xyri, hôm 25/5 làm hơn 100 người thiệt mạng, cũng như việc phát hiện thêm 13 thi thể khác tại Assukar gần Deir Ezzor, phía Đông Xyri hai ngày sau đó.
Nhóm đặc phái viên quốc tế do ông Annan dẫn đầu đến Xyri làm trung gian hòa giải đề nghị Đamát có "các động thái cụ thể" nhằm chấm dứt bạo lực sau vụ thảm sát trên. Phát biểu trước báo giới ngày 30/5, Phó trưởng nhóm này, ông Jean-Marie Guehenno cảnh báo bạo lực đổ máu tiếp diễn sẽ phá hỏng kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Annan, đồng thời kêu gọi "Chính phủ của ông Assad cần có những bước đi nhằm thuyết phục cộng đồng quốc tế và quan trọng hơn, thuyết phục người dân Xyri rằng họ sẵn sàng cho một hướng đi mới".
Theo ông Guehenno , các bước đi cụ thể đó bao gồm chấm dứt bạo lực và các vụ bắt bớ, tạo điều kiện cho hỗ trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng là phe đối lập cần từ bỏ vũ khí. Ông nhấn mạnh: "Tất cả người dân Xyri phải hiểu rằng súng đạn không thể là giải pháp mà chỉ các cuộc thương lượng chính trị mới giúp đem lại hòa bình cho đất nước".
Tại cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cùng ngày 30/5, ông Kofi Annan đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 1 năm qua tại đây có thể trở thành một cuộc "nội chiến toàn diện" nếu chính quyền Đamát và phe đối lập vũ trang không tiến hành các cuộc đàm phán chính trị cụ thể.
Đặc phái viên chung Kofi Annan trả lời phỏng vấn sau cuộc gặp với Tổng thống Bashar al-Assad. AFP-TTXVN |
Cuộc họp của HĐBA đã không đưa ra được bất kì quyết định cụ thể nào do bất đồng liên quan những bước đi tiếp theo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này, đặc biệt trong vấn đề trừng phạt Đamát.
Mỹ cũng như Nga, Trung Quốc, Đức... đều lên tiếng phản đối áp dụng giải pháp can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Xyri sau vụ thảm sát tại Hula. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nhấn mạnh "không có lý do gì" để đồn đại về khả năng quân sự. Lời khẳng định này của Ngoại trưởng Đức nhằm đáp lại một tuyên bố trước đó của tân Tổng thống Pháp rằng không loại trừ khả năng can thiệp quân sự miễn là việc này được HĐBA LHQ ủng hộ. Theo ông Westerwelle , cộng đồng quốc tế nên sử dụng "mọi đòn bẩy chính trị" nhằm chấm dứt bạo lực và rối loạn tại Xyri, và thực thi kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên Annan.
Trong khi cộng đồng quốc tế chưa thống nhất bước đi tiếp theo đối với Xyri, Đại diện thường trực của nước này tại LHQ Bashar Ja'afari chỉ trích các trừng phạt đơn phương của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác. Ông Ja'afari cho rằng đây là "các hành động vô trách nhiệm". Ông Ja'afari khẳng định vụ thảm sát tại Hula hôm 25/5 là do các "phần tử khủng bố" gây ra.
Theo kế hoạch, người phụ trách các trừng phạt kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ David Cohen sẽ tới Nga để thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới nhằm gia tăng sức ép với Tổng thống Xyri Assad.
TTXV/ Tin Tức