Hãng tin Prensa Latina cho hay, tại thành phố Homs của Xyri vừa được giải phóng khỏi các nhóm vũ trang chống chính phủ, các nhà chức trách đã phát hiện và thu giữ nhiều loại vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc... mà các nhóm vũ trang bỏ lại sau khi rút khỏi thành phố miền trung tây Xyri này.
Các loại vũ khí của các nhóm vũ trang bị lực lượng an ninh Xyri thu giữ ở Homs. Ảnh: AFP/TTXVN |
Truyền hình Xyri ngày 7/3 cho thấy các loại súng máy, súng chống tăng, súng bắn tỉa, mìn của Đức cùng nhiều loại vũ khí, đạn dược, thuốc nổ, máy tính, quân phục... mà các nhà chức trách Xyri tố cáo là đã được nước ngoài tuồn vào Xyri qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Gioócđani, Libăng và Irắc cho các nhóm chống chính phủ.
Liên quan tới vấn đề nhân đạo, ngày 7/3, Ngoại trưởng Xyri Walid Muallem khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với phái đoàn nhân đạo do quan chức cấp cao LHQ, Valerie Amos dẫn đầu đang ở thăm Xyri. Ngoại trưởng Muallem cam kết hợp tác với phái đoàn này “trong khuôn khổ (LHQ) tôn trọng độc lập, chủ quyền Xyri, cũng như sự điều phối của Bộ Ngoại giao (Xyri)”.
Cùng ngày, các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Marốc - quốc gia Arập duy nhất trong 15 thành viên không thường trực HĐBA - đã thảo luận về dự thảo nghị quyết mới do Mỹ soạn thảo, kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Xyri.
Theo dự thảo nghị quyết nói trên, Xyri cần tuân thủ kế hoạch hành động được Liên đoàn Arập đưa ra hôm 2/11 và ngừng ngay lập tức toàn bộ các hành động bạo lực, trả tự do cho những người chống đối đã bị bắt và rút toàn bộ lực lượng an ninh khỏi những thành phố điểm nóng. Dự thảo cũng kêu gọi lực lượng đối lập "kiềm chế mọi hình thức bạo lực" ngay khi những điều kiện trên đạt được. Nội dung này được cho là nhằm thỏa mãn quan điểm của Nga về một bản nghị quyết mang tính “cân bằng” hơn.
Chưa rõ liệu dự thảo nghị quyết của Mỹ có cơ hội thành công ở HĐBA hay không, hay vấp phải lá phiếu phủ quyết lần thứ ba từ Nga và Trung Quốc, sau hai lần thất bại trước đây. Sau cuộc họp kín kéo dài 1 tiếng rưỡi, các bên tham dự không đưa ra bình luận chi tiết. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Gennady Galitov đã nhận xét dự thảo nghị quyết của Mỹ là “không cân bằng” và cảnh báo phương Tây đừng “mơ tưởng” Nga sẽ thay đổi quan điểm về giải quyết cuộc khủng hoảng Xyri sau khi kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống với chiến thắng của ông Putin.
T.H