Ngày 28/3 (giờ Việt Nam), Đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC) cầm quyền tại Yêmen đã đề xuất thành lập chính phủ và soạn thảo hiến pháp mới để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực sang hệ thống quốc hội theo sáng kiến cải cách do Tổng thống Ali Abdullah Saleh đưa ra.
Hãng thông tấn quốc gia Yêmen Saba cho biết, đề xuất trên được đưa ra trong tuyên bố của GPC sau cuộc họp ủy ban thường trực của đảng này, theo đó nhấn mạnh cải cách chính trị và bầu cử là những vấn đề ưu tiên nhằm chấm dứt tình hình bất ổn tại Yêmen. Tuyên bố cũng khẳng định Tổng thống Saleh sẽ tiếp tục nắm quyền tới khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2013, đồng thời tiếp tục kêu gọi phe đối lập đối thoại vì lợi ích của đất nước.
Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Saleh cho biết, ông sẵn sàng chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho những người "đáng tin cậy".THX/TTXVN |
Tổng thống Saleh triệu tập cuộc họp ủy ban thường trực của GPC trong bối cảnh liên tục có các cuộc biểu tình tại Yêmen nhằm phản đối việc sửa đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Saleh nắm quyền suốt đời, cũng như phản đối tình trạng giá hàng hóa và nhiên liệu tăng cao.
Cùng ngày, Tổng thống Saleh đã bổ nhiệm thiếu tướng Ahmed Saeed bin Brik làm Tư lệnh mới của Quân khu miền Đông và Lữ đoàn 27 Mika, Đại tá Hussein Mshaba làm Tư lệnh Lữ đoàn bộ binh 15 tại tỉnh Amran ở miền bắc. Hai tư lệnh tiền nhiệm của các đơn vị trên đã rời khỏi chính phủ để gia nhập các cuộc biểu tình của phe đối lập phản đối vụ nổ súng hôm 18/3 làm 52 người biểu tình thiệt mạng bên ngoài Đại học Xana ở thủ đô của Yêmen.
Trong khi đó, phe đối lập đã bác bỏ các đề xuất cải cách của Tổng thống Saleh và tuyên bố sẽ đẩy mạnh biểu tình phản đối chính phủ lên quy mô xung đột thực sự. Những người biểu tình cũng khẳng định sẽ không rời khỏi quảng trường "Change" nếu tổng thống không từ chức.
Trong một diễn biến khác, các quan chức an ninh Yêmen cho biết, các tay súng Hồi giáo của Al-Qaeda đã giành được quyền kiểm soát thị trấn Jaar thuộc tỉnh Abyan, miền nam Yêmen, sau một cuộc giao tranh ác liệt buộc quân chính phủ rút khỏi khu vực. Cảnh sát Yêmen cho biết, ít nhất 70 người thiệt mạng và 90 người khác bị thương sau vụ nổ xảy ra tại một nhà máy sản xuất đạn dược tại thị trấn Jaar. Hầu hết những người bị thương đều trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó, khoảng 30 tay súng bịt mặt tình nghi thuộc lực lượng Al-Qaeda đã chiếm giữ nhà máy và rời đi với 4 xe chở đầy những thùng vũ khí, đạn dược. Sau đó, người dân địa phương đã đổ về nhà máy này nhằm vơ vét những gì còn lại. Có khả năng một người đã hút thuốc bên trong nhà máy gây ra vụ nổ lớn trên.
Các tay súng Hồi giáo cũng đã tấn công quân đội Yêmen ở tỉnh miền trung Marib, làm 6 binh sĩ thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Nội vụ Yêmen cho biết, hàng chục tay súng đã bao vây một doanh trại của lực lượng Vệ binh Cộng hòa tại quận Arhab, cách thủ đô Xana 30 km về phía bắc. Chính phủ Yêmen đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhóm du kích Hồi giáo này tại Arhab.
Tại Xyri, các nhà chức trách đã tuyên bố sẽ chấm dứt đạo luật tình trạng khẩn cấp áp dụng từ năm 1963, trong bối cảnh người dân thành phố Latakia chôn cất các nạn nhân của làn sóng bạo loạn. Tổng thống Bashar Assad dự kiến sẽ ra tuyên bố dỡ bỏ đạo luật này vào ngày 30/3, theo đó, những người bị bắt giữ theo đạo luật này sẽ được trả tự do. Tuy nhiên, những người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường tuần hành cho đến khi tất cả yêu cầu của họ được đáp ứng.
Nghị sĩ Mohammed Habash cho biết, Quốc hội nước này đã đề nghị Tổng thống Assad giải trình chi tiết về một loạt cải cách nhằm đối phó với làn sóng phản đối chính phủ diễn ra trên khắp đất nước.
Quân đội Xyri đã được triển khai tại thành phố cảng Latakia, cách thủ đô Đamát 350 km về phía tây bắc, một trong những điểm nóng xảy ra các cuộc nổi dậy, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 90 người khác bị thương. Tình hình an ninh tại Xyri đã xấu đi do các băng nhóm có vũ trang gây hỗn loạn tại thành phố cảng Latakia ở miền Bắc và tình trạng bạo lực thỉnh thoảng xảy ra ở thành phố Deraa thuộc miền Nam.
Quang Minh