Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu sau cuộc họp Hội đồng bộ trưởng Đức-Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ: "Tôi muối nói rằng đây là điều không thể chấp nhận giữa các đồng minh. Điều đó là rõ ràng". Nhà lãnh đạo Pháp yêu cầu các đối tác Đan Mạch và Mỹ cần hoàn toàn minh bạch và có giải pháp cho vụ việc này.
Trước đó cùng ngày, Chính phủ Đan Mạch đã bác bỏ thông tin về các hoạt động do thám liên quan sau khi một báo cáo điều tra của báo giới cho biết Đan Mạch được cho đã hỗ trợ Mỹ nghe lén các chính trị gia cấp cao châu Âu gần 10 năm trước. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen nêu rõ, việc nghe lén có hệ thống các đồng minh thân cận là điều "không thể chấp nhận", đồng thời cho rằng bà chưa thể bình luận thêm về những thông tin này. Theo các thông tin điều tra, Bộ trưởng Bramsen, nắm quyền từ tháng 6/2019, chỉ được thông báo về vụ việc trên vào tháng 8/2020.
Phản ứng về những tuyên bố của bà Bramsen, Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao quan điểm của giới chức Đan Mạch cũng như những bình luận của nhà lãnh đạo Pháp, bày tỏ kỳ vọng về mối quan hệ tin tưởng giữa các đối tác. Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh rằng, thời điểm hiện tại cũng như trong quá khứ, cần phải làm rõ thêm về các hoạt động nghe lén của các cơ quan mật vụ nước ngoài ở Đức.
Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert nhấn mạnh, Chính phủ Đức chưa muốn đánh giá công khai về vụ việc, đồng thời nhấn mạnh Berlin đang "liên hệ với các cơ quan liên quan cả trong và ngoài nước để làm rõ vụ việc". Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng sẽ thông báo cho các ủy ban phụ trách các hoạt động tình báo tại Quốc hội về vụ việc. Hiện nhiều nghị sĩ Đức đang yêu cầu làm rõ vụ việc và gắn với những hậu quả rõ ràng khi các đối tác phương Tây, nhất là các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), theo dõi lẫn nhau.
Trước đó, các nhà báo điều tra thuộc Đài Phát thanh Đan Mạch DR, kênh truyền thông NDR, WDR và báo SZ của Đức tiết lộ rằng NSA đã lợi dụng sự hợp tác tình báo với Đan Mạch để nghe lén các cuộc gọi điện thoại của các chính trị gia hàng đầu châu Âu nhờ một trạm nghe lén bí mật gần thủ đô Copengagen thuộc Bộ phận quân báo Đan Mạch (FE). Báo cáo điều tra dựa trên các nguồn giấu tên và một phân tích nội bộ tuyệt mật của chính FE, trong giai đoạn từ năm 2012-2014.
Ngoài Thủ tướng Merkel và Ngoại trưởng Đức khi đó là ông Frank-Walter Steinmeier, NSA còn do thám các nhà lãnh đạo ở Pháp, Thụy Điển và Ny Uy. Cuộc điều tra đã lần đầu tiên tiết lộ quy mô hợp tác tình báo quân sự giữa Đan Mạch và Mỹ, cũng như mở rộng danh sách các chính trị gia là mục tiêu bị theo dõi. Hiện FE chưa đưa ra phản hồi gì về các thông tin trên.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clément Beaune trước đó đã mô tả các thông tin tiết lộ nêu trên là "cực kỳ nghiêm trọng". Ông Beaune nhấn mạnh nếu vụ việc là có thật thì sẽ dẫn tới những "hậu quả cho sự hợp tác".