Theo 2 nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature ngày 2/8, từ lâu, người ta vẫn tin rằng có những người bạn giàu có thể là yếu tố giúp trẻ em vươn lên thoát nghèo, song các nghiên cứu được tiến hành trước đây chỉ có quy mô nhỏ hoặc hạn chế về mặt dữ liệu.
Nhóm nghiên cứu đến từ Mỹ mới đây đã tiến hành nghiên cứu sử dụng dữ liệu do Facebook thu thập. Với đặc thù là cơ sở dữ liệu xã hội lớn nhất thế giới, với 3 tỷ người dùng, những dữ liệu này giúp mở rộng quy mô nghiên cứu và tăng độ chính xác cho phân tích mới này.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu được bảo vệ quyền riêng tư của 72 triệu người sử dụng Facebook trong độ tuổi từ 25-44 tuổi. Các mối quan hệ bạn bè trên Facebook đại diện mối quan hệ bạn bè trên thực tế.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một thuật toán để xếp hạng người dùng theo tình trạng kinh tế xã hội, độ tuổi và khu vực cùng với các yếu tố khác. Sau đó, họ đo mức độ tương tác giữa những người giàu và nghèo hơn, đồng thời đưa ra thuật ngữ "độ kết nối kinh tế" để chỉ ảnh hưởng của bạn bè theo trình độ kinh tế - xã hội ở trên hoặc dưới mức trung bình. Các nhà khoa học sau đó so sánh phương pháp nghiên cứu này với các nghiên cứu trước đây về tiềm năng thoát nghèo của trẻ em tại các khu vực.
Nhà kinh tế học Raj Chetty tại Đại học Harvard (Mỹ) - tác giả chính của 2 nghiên cứu - cho biết kết quả công bố hôm 3/8 cũng tương đồng với những kết luận rút ra từ các nghiên cứu trước đây. Theo ông Chetty, nghiên cứu đầu tiên cho thấy độ kết nối kinh tế là một trong những yếu tố dự báo lớn nhất về khả năng dịch chuyển kinh tế của một cá nhân. Trong khi đó, nghiên cứu thứ 2 đi sâu tìm hiểu lý do tại sao trẻ em từ các gia đình điều kiện kinh tế khác nhau lại có xu hướng làm bạn với nhau.
Trong nghiên cứu thứ 2, các nhà nghiên cứu đã xác định 2 yếu tố chính quyết định xu hướng này. Đầu tiên là mức độ 2 nhóm tiếp xúc với nhau, có thể qua việc học cùng trường hoặc sống cùng khu. Tuy nhiên, ngay cả khi các học sinh có điều kiện vật chất đối lập học cùng trường, họ vẫn có thể không kết bạn với nhau - yếu tố này được các nhà nghiên cứu gọi là "thiên vị kết bạn" (friending bias).
Nghiên cứu cho rằng, khoảng 50% nguyên nhân những trẻ có điều kiện gia đình khác nhau không kết nối với nhau là do ít tiếp xúc, trong khi 50% còn lại là do yếu tố "thiên vị kết bạn". Ông Chetty cho rằng, phát hiện nghiên cứu cũng cho thấy các chính sách của Mỹ nhằm thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa các trường học và khu vực là quan trọng nhưng vẫn "chưa đủ" về mặt hiệu quả.
Nghiên cứu cũng cho thấy nơi gặp gỡ giữa những đứa trẻ với điều kiện gia đình đối lập cũng là yếu tố quyết định liệu chúng có trở thành bạn, đồng nghĩa các cơ sở giáo dục đóng một vai trò quan trọng. Đáng chú ý, cuộc gặp gỡ tại các cơ sở tôn giáo như nhà thờ dễ khiến nảy sinh tình bạn hơn.
Các nhà khoa học kỳ vọng nghiên cứu sẽ góp phần tạo cơ sở cho các chính quyền trên cả nước đưa ra những chính sách xã hội phù hợp. Ông Chetty cho rằng các nghiên cứu về chủ đề này tại các quốc gia khác cũng có thể có kết luận tương tự, do đó kêu gọi chính quyền và các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu dựa trên cơ sở dữ liệu Facebook tại quốc gia đó. Giới chuyên gia đánh giá nghiên cứu này đã góp phần quan trọng giúp kiến thức về xã hội thêm sâu rộng.