Ngày 09/5, Hãng tin Yonhap, Hàn Quốc đã đăng bài viết bằng tiếng Hàn của phóng viên thường trú Yonhap tại Hà Nội Kim Kwon Yong với tựa đề “Căng thẳng leo thang giữa Việt Nam và Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp”. Toàn văn nội dung bài viết như sau:Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam xung quanh việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí đến “vùng biển tranh chấp” đang tăng lên từng ngày và thu hút sự chú ý của dư luận.
Việt Nam đã công bố các hình ảnh về việc tàu của Trung Quốc đã đâm vỡ 8 tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và làm bị thương 6 người trong quá trình các lực lượng của Việt Nam ra ngăn cản việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu tại khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hãng tin Yonhap đưa tin về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. |
Các nhà quan sát cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra “khu vực biển tranh chấp” nhằm mục đích tái khẳng định chủ quyền đối với khu vực này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng muốn đo lường xem Chính phủ Mỹ sẽ phản ứng như thế nào để bảo vệ lập trường mà nước này từng tuyên bố là đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Leo thang đối đầu căng thẳng trên biển giữa Việt Nam và Trung QuốcViệc các tàu của Việt Nam và Trung Quốc đối đầu với nhau trong 2 ngày 7 và 8/5 vừa qua tại khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ lực lượng cảnh sát biển Việt Nam cho biết, trong ngày hôm nay (9/5) “tình hình xung quanh quần đảo Hoàng Sa nói chung vẫn giống như ngày hôm qua (8/5)”, các tàu của hai bên vẫn tiếp tục đối đầu.
Phía Việt Nam cho biết, trong ngày 7/5, các tàu của Trung Quốc đã cố tình đâm và dùng súng nước bắn vào các tàu của Việt Nam làm hư hại các tàu này và làm bị thương 6 người (kiểm ngư viên).
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng tuyên bố: “Phía Trung Quốc hoàn toàn không xâm phạm (chủ quyền của Việt Nam)” và “bên xâm phạm chính là Việt Nam”. Tuy nhiên, Bộ này không đưa ra được các bằng chứng cụ thể chứng minh cho tuyên bố nêu trên.
Trung Quốc đưa giàn khoan dầu đến vùng biển tranh chấp: Động thái thăm dò này là nhằm nhiều mục đích. Việc Trung Quốc khuấy động xung đột bằng việc đưa giàn khoan dầu khí đến vùng biển tranh chấp nằm trong ý đồ chiến lược của nước này.
Theo các nhà quan sát, hoạt động thăm dò dầu khí của Trung Quốc lần này không phải là mục đích thương mại thông thường theo một chương trình thăm dò dầu khí đã được hoạch định từ trước, mà điều đáng chú ý là nó được tiến hành ngay sau chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong thời gian chuyến thăm các nước châu Á như Philippines, Tổng thống Obama đã chỉ trích đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và tái khẳng định lập trường ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Các nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc nghi ngờ “chính sách tái cân bằng” của Mỹ, mà Tổng thống Obama tuyên bố trong chuyến thăm châu Á vừa qua, là nhằm bao vây Trung Quốc.
Đặc biệt, động thái lần này của Trung Quốc còn nhằm thăm dò phản ứng của các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này tại Mianmar vào ngày 10/5 tới.
Phản ứng của ASEAN, đặc biệt là các nước có tranh chấp lãnh thổ tại biển Biển Đông, với chương trình nghị sự về vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Trong thời gian qua, Trung Quốc tỏ ra lo ngại phản ứng của cộng đồng ASEAN liên quan đến tranh chấp ở biển Biển Đông.
Mỹ ủng hộ chủ trương của Việt Nam giải quyết tranh chấp chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế. Trong chuyến thăm Hà Nội ngày 8/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã kêu gọi các bên kiềm chế và nhấn mạnh phải giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.
Cùng ngày, ông Russel cũng nói với các phóng viên rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang ở trong tình trạng rất dễ bị tổn thương, việc khắc phục những hậu quả do tranh chấp gây ra sẽ trở nên rất khó khăn.
Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cũng lên tiếng chỉ trích hành động của phía Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực tranh chấp đã làm gia tăng căng thẳng.
Trong một thông báo tại Văn phòng ở thủ đô Washington, ông McCain nói rằng: “Việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu khí trong vùng biển của Việt Nam và làm hư hại nhiều tàu của phía Việt Nam chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực Biển Đông”.
Ông McCain cũng nói thêm rằng: “yêu sách về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn không có cơ sở chiểu theo luật pháp quốc tế”.
Tin, ảnh: Phạm Duy (P/v TTXVN đưa tin từ Hàn Quốc)