Yoshihiko Noda - Thủ tướng tương lai của Nhật Bản

Ngày 29/8, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của Đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền ở Nhật Bản, trở thành tân chủ tịch DPJ. Với chiến thắng này, ông Noda chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản thay ông Naoto Kan, vừa từ chức tuần trước, vì hiện DPJ đang chiếm đa số ghế tại quốc hội.

Ông Yoshihiko Noda phát biểu sau khi giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của DPJ. Ảnh: thx/ TTXVN


Nếu không có gì thay đổi, ông Noda sẽ cầm quyền cho tới tháng 9/2012, khi nhiệm kỳ thủ tướng hiện tại chính thức kết thúc. Như vậy ông Noda sẽ là thủ tướng thứ ba của Nhật Bản trong vòng 2 năm qua và là thủ tướng thứ sáu trong vòng 5 năm.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, cuộc bỏ phiếu trên diễn ra khá gay gắt. Tại lần bỏ phiếu thứ nhất, cả 5 ứng cử viên đều không giành được số phiếu quá bán, do đó các nghị sĩ DPJ phải tiến hành bỏ phiếu lần hai. Trong lần thứ nhất, ông Noda chỉ giành được 102 trên tổng số 398 phiếu hợp lệ, trong khi đối thủ ông là Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Banri Kaieda nhận được 143 phiếu. Tuy nhiên, trong lần bỏ phiếu thứ hai, ông Noda đã nhận được 215 phiếu ủng hộ trên tổng số 392 phiếu hợp lệ, trong khi ông Kaieda chỉ được 177 phiếu ủng hộ.

Chân dung ông Yoshihiko Noda

Ông Noda sinh ngày 20/5/1957 ở tỉnh Chiba, tốt nghiệp Học viện Chính phủ và Quản lý Matsushita năm 1980. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị với tư cách ủy viên Hội đồng tỉnh Chiba năm 1987.

Năm 1992, ông Noda gia nhập đảng Nhật Bản mới (JNP). Ông được bầu làm hạ nghị sỹ lần đầu tiên vào năm 1993, với tư cách đảng viên JNP. Tuy nhiên, ông đã thất cử trong cuộc bầu cử Hạ viện 3 năm sau đó sau khi chuyển sang Đảng Mặt trận mới (NFP).

Ông Noda được bầu lại làm hạ nghị sỹ vào năm 2000 với tư cách đảng viên DPJ. Ông ra tranh cử chức chủ tịch DPJ lần đầu tiên vào năm 2002. Tuy nhiên, ông đã thất bại trước hạ nghị sỹ Yukio Hatoyama, người sau này đã trở thành thủ tướng Nhật Bản vào năm 2009. Mặc dù vậy, ông vẫn giành được uy tín trong đảng sau khi suýt đánh bại ông Naoto Kan, người đứng ở vị trí thứ 2 trong cuộc bầu cử đó.

Người dân Nhật Bản theo dõi tin tức trên truyền hình về việc Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda được bầu làm tân chủ tịch đảng DPJ ngày 29/8. Ảnh: AFP/ TTXVN


Tháng 9/2008, ông Noda đã thông báo ý định ra tranh cử chức chủ tịch DPJ nhưng thất bại. Tháng 6/2010, ông Noda được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính, thay thế người tiền nhiệm Naoto Kan - người đã trở thành thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bầu cử chủ tịch DPJ.

Kể từ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nội các ở Hạ viện hồi tháng 6/2011, Bộ trưởng Noda nổi lên là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế thủ tướng.

Thách thức có dễ vượt qua?

Cũng giống như người tiền nhiệm Kan, tân Chủ tịch DPJ là người ủng hộ kế hoạch tăng thuế tiêu dùng để trang trải chi phí an sinh xã hội đang ngày càng phình to do dân số lão hóa và làm lành mạnh hóa nền tài chính công của Nhật Bản, trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của nước này đang cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ lần này ủng hộ việc tăng thuế.

Chính sách của chính phủ về tiền tệ và tăng giá đồng yên vẫn sẽ không thay đổi. Ông Noda, khi là bộ trưởng tài chính, đã cam kết hành động, kể cả can thiệp vào thị trường, để ngăn chặn sự tăng giá quá mức của đồng yên, và có thể vẫn sẽ giữ nguyên quan điểm đó.

Về chính sách năng lượng hạt nhân, Bộ trưởng Noda chủ trương giảm dần phụ thuộc của Nhật Bản vào điện hạt nhân trong giai đoạn trung và dài hạn.
Về chính sách đối ngoại, tân Chủ tịch DPJ nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh an ninh Mỹ - Nhật là vấn đề cốt lõi của ngoại giao Nhật Bản.

Ông Noda lên cầm quyền trong bối cảnh Nhật Bản phải giải quyết rất nhiều khó khăn sau hai thập kỷ kinh tế trì trệ và càng khó khăn hơn sau thảm họa động đất - sóng thần hồi tháng 3 vừa qua. Dư luận đều cho rằng nhiệm vụ ưu tiên cao nhất của chính phủ mới ở Nhật Bản là đưa đất nước ra khỏi tình trạng này.

Năm vị thủ tướng trước của Nhật Bản đã phải chật vật thực thi các chính sách của mình tại quốc hội - nơi mà đảng đối lập có thể phản đối các dự luật. Nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là ông Noda sẽ sớm phải kết thúc nhiệm kỳ của mình. Ông Noda hiện đang kêu gọi thành lập một liên minh rộng lớn với các đảng đối lập chủ chốt để phá vỡ thế bế tắc tại quốc hội, song các đảng đối lập lại tỏ ra lạnh nhạt với lời kêu gọi này. Ngay trong nội bộ đảng cầm quyền DPJ, ông Noda cũng phải đối mặt với sự rạn nứt, có thể cản trở những nỗ lực lãnh đạo đất nước.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN