Thể thao điện tử không đơn thuần chỉ là “game”
Được du nhập vào Việt Nam cách đây gần 20 năm, một số trò chơi điện tử đã “làm mưa, làm gió” cùng với sự bùng nổ của internet và máy vi tính, tuy nhiên, không phải “game” nào cũng tồn tại lâu dài và trở thành bộ môn thể thao điện tử.
Theo Tổng Thư kí Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng, để được coi là một môn thể thao điện tử, thì phải cần rất nhiều yếu tố, đó là phải có luật thi đấu, tính phổ biến, có tính thi đấu, đối kháng….
Trong hàng triệu trò chơi điện tử trên các nền tả máy tính hay điện thoại, hiện nay, trên thế giới chỉ chọn lựa được trên 10 trò chơi được công nhận là bộ môn thể thao điện tử. Có thể kể đến: Liên quân Mobile, Liên minh huyền thoại, PUBG Mobile, Fifa Online... Khi được công nhận, các môn này cần phải có luật thi đấu, sau đó luật được phổ biến rộng rãi cho người chơi luyện tập và các “game thủ” thi đấu theo luật. Từ đó ra đời các giải đấu phong trào, bán chuyên và chuyên nghiệp, trải qua những quá trình như vậy, dần dần hình thành lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, các câu lạc bộ…
Trưởng phòng Thể thao điện tử Công ty Cổ phần Box Sports Mai Quỳnh Anh cho biết: Công ty đang quản lí 5 đội thi đấu các môn thể thao điện tử chuyên nghiệp của 5 tựa game nổi tiếng với trên 35 thành viên, việc tập luyện, thi đấu của các vận động viên đều được vận hành chuyên nghiệp. Đa phần các vận động viên đều tập luyện, sinh hoạt tập trung ở “Gaming house”. Không có sự khác biệt giữa các vận động viên thể thao điện tử và thể thao truyền thống, thậm chí thời gian tập luyện của các “game thủ” còn nhiều hơn so với các vận động viên thể thao truyền thống.
Ngoài việc tập luyện, thi đấu của các vận động viên, thì công tác tổ chức các giải đấu cũng được chú trọng. Thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức được nhiều giải đấu thể thao điện tử ở các cấp tỉnh, vùng miền và toàn quốc. Một số vận động viên trình độ cao đã đạt thành tích tốt khi thi đấu quốc tế. Cũng từ việc tổ chức các giải đấu như vậy, mà Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức sự kiện, các giải đấu, đáp ứng yêu cầu của thế giới.
Năm 2021, Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31, thể thao điện tử cũng chính thức được đưa vào hệ thống thi đấu giành huy chương. Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam cho rằng: Việt Nam đủ điều kiện để tổ chức giải đấu lớn như SEA Games, đồng thời với trình độ chuyên môn và sự nỗ lực của các vận động viên, chúng ta sẽ đảm bảo được thành tích tốt tại kì SEA Games này.
Mặc dù phương án chọn các nội dung thi đấu ở bộ môn thể thao điện tử chưa được chốt, nhưng dự kiến sẽ có 6-8 nội dung được chọn, tương ứng với 6-8 bộ huy chương. Hiện các cơ quan chức năng đang trao đổi, đàm phán với các nước để thống nhất nội dung thi đấu với mong muốn thu hút được nhiều quốc gia tham gia, củng cố thêm tinh thần thể thao “fair play”...
“Game thủ” cũng là một nghề
Nếu như trước đây, những trò chơi trên các nền tảng PC hay Mobile chỉ được hiểu đơn thuần là “game” giải trí, còn người chơi được gọi là game thủ thì khi thể thao điện tử được công nhận kéo theo sự xuất hiện của vận động viên thể thao điện tử.
Từ “game thủ” chuyển sang vận động viên thể thao điện tử tưởng chừng như đơn giản, bởi cùng là tập luyện trên một thiết bị điện tử, cùng một bộ môn nhưng thực tế lại không như vậy. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam, “game thủ” cũng là một nghề. Nhưng nghề này rất kén người, không phải ai “chơi game” cũng trở thành vận động viên thể thao điện tử, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phẩm chất, tư duy nhạy bén, sức khỏe tốt, thao tác nhanh nhẹn. Trải qua quá trình đào tạo chuyên nghiệp, các vận động viên mới có thể thi đấu, được công nhận ở các đẳng cấp khác nhau.
Việc “chơi game” đơn thuần, khó có thể mang lại lợi ích đến với bản thân “game thủ” cũng như gia đình và xã hội, nhưng vận động viên thể thao điện tử lại được hưởng lợi rất nhiều. Họ được luyện tập, sinh hoạt trong môi trường kỉ luật cao, được học cách ứng xử, giao tiếp, được quảng bá hình ảnh, đặc biệt là thu nhập tương đối “khủng”.
Theo Trưởng phòng Thể thao điện tử Công ty Cổ phần Box Sports Mai Quỳnh Anh cho biết, trên 35 vận động viên thể thao điện tử của công ty đang hưởng “lương cứng” từ 5-25 triệu đồng/tháng, các em còn được xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu. Ngoài lương, các vận động viên sẽ nhận được giải thưởng mỗi khi thi đấu thành công. Không chỉ có lợi về nguồn thu nhập, khi tham gia luyện tập, thi đấu chuyên nghiệp, các em còn được rèn tính kỉ luật, nền nếp, đặc biệt là khả năng giao tiếp, ứng xử…
Ngoài hưởng lương từ các câu lạc bộ, vận động viên thể thao điện tử còn được nhận thêm khoản thu nhập khác từ giải thưởng của giải đấu, quảng cáo các thương hiệu, lợi ích từ các nền tảng mạng xã hội khác thông qua phát trực tiếp các trận đấu. Thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng tùy theo năng lực, độ nổi tiếng của “game thủ” và mức độ phổ biến của tựa game.
Cùng là thi đấu thể thao, nhưng “tuổi đời” thi đấu của các vận động viên thể thao điện tử thường sẽ kéo dài hơn so với thể thao truyền thống. Nếu như với các bộ môn thể thao truyền thống, ở độ tuổi ngoài 30, không còn nhiều vận động viên giữ được “điểm rơi phong độ”, thì đối với các “game thủ”, độ tuổi này lại không phải là vấn đề quá lớn.
Theo ông Đỗ Việt Hùng, Tổng Thư kí Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam: Mức độ phổ biến của thể thao điện tử ngày càng lớn, trong 5-10 năm trở lại đây, tốc độ bao phủ rất nhanh, chiếm từ 60-70% những người tham gia vào môi trường số. Ở môi trường số, độ lan tỏa rất lớn, tính tương tác cao, từ đó nhiều người biết đến những vận động viên thể thao điện tử hơn, đem đến những lợi ích to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần...