Trong số các vận động viên này, có 9 người Syria, 5 người Iran, 4 người Nam Sudan và 3 người Afghanistan. Tính theo bộ môn thi đấu, điền kinh có đông vận động viên người tỵ nạn tham gia nhất, với 7 người. Tiếp đó là judo có 6 và taekwondo có 3 vận động viên.
Chủ tịch IOC Thomas Bach nhấn mạnh vận động viên tị nạn tham gia sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh cùng các vận động viên đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ “phát đi thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết, sự kiên cường và hy vọng cho thế giới”.
Dự kiến, đoàn vận động viên tị nạn sẽ tập trung ở Qatar vào ngày 12/7 và khởi hành sang Nhật Bản hai ngày sau đó. Đại học Waseda ở thủ đô Tokyo will sẽ cung cấp nơi ăn ở và tập luyện cho đoàn vận động viên này.
Theo đài truyền hình NHK, đoàn vận động viên người tị nạn đầu tiên được IOC lập ra tại thế vận hội Rio de Janeiro 2016, với sự tham gia của 10 vận động viên. Kể từ đó đến nay, IOC đã triển khai chương trình hỗ trợ cho các vận động viên người tị nạn tập luyện và sinh sống hằng ngày. Hiện nay, có 56 vận động viên đang nhận hỗ trợ của chương trình này.
Liên quan tới Olympic Tokyo, Bộ trưởng Olympic và Paralympic Nhật Bản Tamayo Marukawa vừa tái khẳng định khó lùi thời gian tổ chức thế vận hội này. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/6, bà Marukawa cho biết việc bố trí địa điểm tập luyện và các chương trình khác đang được triển khai, do vậy, sẽ khó đảm bảo địa điểm thi đấu và chỗ ở nếu thay đổi lịch trình.
Trong khi đó, theo bà Seiko Hashimoto, Trưởng ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, Nhật Bản sẽ sử dụng hệ thống GPS để giám sát các phóng viên nước ngoài tới nước này đưa tin về Olympic Tokyo nhằm đảm bảo rằng họ không rời các khu vực đã đăng ký trước như khách sạn và địa điểm thi đấu. Bên cạnh đó, số lượng nơi ăn ở dành cho phóng viên sẽ giảm từ 350 xuống còn khoảng 150, trong khi các phóng viên được yêu cầu không ở tại các cơ sở lưu trú tư nhân hay nhà của bạn bè.
Về đội ngũ nhân viên y tế, cho tới thời điểm này, ban tổ chức đã huy động được khoảng 90% bác sỹ và 80% y tá cần thiết để phục vụ cho thế vận hội.