Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, những giọt mồ hôi của vận động viên thấm đẫm sàn đài và sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân mà cả đất nước đang được sống trong bầu không khí thể thao cuồng nhiệt, sôi động.
Tình đoàn kết càng thêm bền chặt
Sau ngày khai mạc, nhiều bộ môn của SEA Games 31 đã diễn ra đồng loạt, các nhà thi đấu, sân vận động phải hoạt động hết công suất. Tưởng chừng như lượng khán giả sẽ bị phân tán ở nhiều nơi, nhưng không, đa phần các địa điểm thi đấu đều được lấp đầy, thậm chí có nơi, khán giả phải đứng xem trong nhiều giờ vì... hết ghế ngồi.
Bóng đá - môn “thể thao vua” luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Ngay từ trận đầu ra quân của U23 Việt Nam trên Sân vận động Việt Trì (Phú Thọ), nhiều khán giả ngoại tỉnh đã phải xuất phát về miền Đất Tổ từ khi trời chưa sáng để "săn” vé nhưng vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận đứng ngoài vì “chậm chân”.
Chiến thắng trong ngày đầu ra quân, đoàn quân của thầy trò Huấn luyện viên Park Hang-seo đã tặng cho người hâm mộ một "bữa tiệc" bóng đá đúng nghĩa. “Nóng” trên sân cỏ, “nóng” trên khán đài và “nóng” ngay cả trên đường phố, quảng trường. Mặc dù tối hôm đó (6/5), mưa đã rơi trên bầu trời Việt Trì nhưng cũng không làm giảm được “nhiệt” mà những người yêu bóng đá đã tạo ra để cổ vũ, động viên và khích lệ tinh thần đoàn quân của các “chàng trai áo đỏ”.
Đã từng có một vài ý kiến xuất hiện trên mạng xã hội cho rằng sân Việt Trì “đông khách” vì có đội Việt Nam tham dự, nhưng nhận xét đó ngay lập tức bị phản bác khi “chảo lửa” Thiên Trường (Nam Định) khởi động. Mặc dù đăng cai bảng đấu không có đội Việt Nam, nhưng ngọn lửa đam mê bóng đá của người dân Nam Định vẫn bùng cháy. Hơn hai vạn chỗ ngồi trên sân Thiên Trường đã được phủ kín, những âm thanh cổ vũ náo nhiệt được duy trì gần như toàn bộ thời gian diễn ra trận đấu. Điều đó đã góp phần rất lớn khích lệ tinh thần thi đấu của các cầu thủ.
Không chỉ “nhiệt” trên khán đài, những người yêu bóng đá Nam Định đã có nhiều hành động tuyệt vời như đến điểm lưu trú của U23 Lào để cổ vũ, động viên tinh thần; sử dụng quốc kỳ của các nước để cổ vũ họ khi thi đấu…. Những ấn tượng đó không phải ở bất cứ nơi đâu họ cũng có thể bắt gặp. Thông qua thể thao, những người bạn quốc tế càng hiểu rõ hơn lòng hiếu khách, sự chân thành, thân thiện, yêu chuộng hoà bình, yêu chuộng thể thao của Nhân dân Việt Nam.
Thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc trên sàn đấu
Không chỉ bóng đá mới nhận được sự quan tâm đặc biệt mà những môn thể thao khác cũng đón nhận tình cảm nồng nhiệt của nhân dân. Nhà thi đấu Quận Cầu Giấy (Hà Nội), nơi diễn ra bộ môn Wushu luôn kín chỗ ngồi ngay cả khi trước “giờ G”.
Sáng 15/5, những nội dung Taolu cuối cùng của Đoàn thể thao Việt Nam diễn ra, sức “nóng” trên khán đài đã tiếp thêm ngọn lửa tinh thần cho những vận động viên dưới sân đấu. Khi các vận động viên bắt đầu bài biểu diễn, tiếng hò reo, tiếng vỗ tay không ngớt, không phân biệt quốc gia, giới tính, chỉ có điều khác biệt duy nhất là những tiếng hô “Việt Nam cố lên”, “Việt Nam vô địch” được vang lên mạnh mẽ mỗi khi vận động viên của chúng ta thi đấu.
“Cô gái vàng” Wushu Việt Nam Dương Thuý Vi bày tỏ sau màn biểu diễn Taolu: Hơn 20 năm tập luyện, thi đấu, nhưng đây là lần đầu tiên em cảm nhận được sự cổ vũ “cháy” đến như vậy. Khi thi đấu, các vận động viên chờ đợi nhất chính là sự cổ vũ, ủng hộ nồng nhiệt của khán giả...
Môn Bóng rổ diễn ra tại Nhà thi đấu huyện Thanh Trì (Hà Nội). Dù môn thể thao này chưa thực sự phổ biến ở nhiều địa phương tại Việt Nam, nhưng không vì thế mà khán đài thưa người. Trận đấu 3x3 của Đội tuyển Bóng rổ Việt Nam thi đấu sát giờ trưa, nhưng khi mặt trời đứng bóng, tiếng hò reo vẫn chưa ngớt. Dường như tất cả mọi người đều đứng dậy theo dõi, cổ vũ cho các đội.
Hoàng Văn Nam, chàng trai quê Vĩnh Phúc đã đi từ 4 giờ sáng để kịp tới Nhà thi đấu Thanh Trì đồng hành cùng các vận động viên Bóng rổ. Anh cho biết đã theo tập Bóng rổ được 4 năm. Ở Việt Nam không có nhiều sự kiện, giải đấu tầm cỡ lớn của Bóng rổ. SEA Games 31 lần này Việt Nam đăng cai tổ chức lại, Hoàng Văn Nam không thể bỏ lỡ một trận đấu Bóng rổ nào, dù có xa nữa anh cũng sẽ đi. Đây không phải chỉ vì yêu thích môn thể thao này mà chàng trai này muốn đồng hành, cổ vũ các vận động viên trên hành trình mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Trên sân thi đấu Cầu mây tại Nhà thi đấu Quận Hoàng Mai (Hà Nội), mọi ánh mắt đều dõi theo các tuyển thủ trong những tình huống Santo, rồi lại vỡ oà cảm xúc, hò reo mỗi khi Đội tuyển Việt Nam ghi điểm. Cô Hoàng Minh (62 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cùng con gái luôn có mặt từ sớm để cổ vũ những chàng trai, cô gái của tuyển Cầu mây Việt Nam. Hồi SEA Games 22 (năm 2003), cô Hoàng Minh đã theo dõi và rất thích môn thể thao này. Sau gần 20 năm, Việt Nam lại vinh dự đăng cai tổ chức SEA Games 31, tình yêu dành cho thể thao nói chung và Cầu mây nói riêng với cô chưa hề vơi đi. Cô mong rằng, với tinh thần thi đấu quyết tâm, nỗ lực cống hiến hết mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc, những vận động viên Cầu mây Việt Nam sẽ đứng trên bục cao nhất để nhận huy chương.
Thể thao luôn là nhịp cầu kết nối con người với con người, quốc gia, dân tộc với quốc gia, dân tộc. Việt Nam đã chờ đợi gần 20 năm để lại được tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31. Những lá quốc kỳ của các quốc gia trong khu vực ASEAN đã tung bay trên bầu trời Hà Nội và một số địa phương lân cận. Ngọn đuốc SEA Games đã cháy sáng trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Thông qua SEA Games 31, bạn bè quốc tế sẽ thêm hiểu hơn về đất nước, con người, sự hiếu khách, thân thiện, tinh thần thể thao nhiệt huyết, hết mình, fair play của các vận động viên và Nhân dân Việt Nam...