Những ngày tháng 4 này, các cựu danh thủ lẫy lừng một thời của bóng đá Việt Nam đã cùng hội tụ tại Festival Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long, trên sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Những đôi chân vang bóng một thời của bóng đá nước nhà từng ở 2 đầu đất nước nhưng đã chung được niềm đam mê sân cỏ khi nước nhà thống nhất tại giải đấu giao hữu đúng dịp 40 năm ngày thống nhất đất nước.
Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long thống nhấtBóng đá luôn là điểm kết nối những người yêu bóng đá, những người đã gắn bó cả cuộc đời mình với trái bóng tròn. Từ lâu, các cựu cầu thủ vẫn nuôi tình yêu với trái bóng tròn bằng cách tham gia các đội bóng theo vùng miền nhưng một giải đấu lớn hay một hoạt động chính thức liên kết tất cả các cựu danh thủ ba miền vẫn chưa được tổ chức. Trước những đòi hỏi thiết yếu về một tổ chức xã hội để làm mái nhà sinh hoạt chung của các cựu cầu thủ, ngày 4/10, Liên chi hội Cựu cầu thủ bóng đá Việt Nam đã được ra mắt thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Đây sẽ là nơi tổ chức giao lưu, gặp gỡ toàn thể các cựu cầu thủ ở từng địa phương; tôn vinh, chúc thọ, tặng kỷ niệm chương cho những cựu cầu thủ lớn tuổi có những đóng góp thiết thực cho bóng đá địa phương và toàn quốc. Nhưng quan trọng hơn cả, một tổ chức chính thức sẽ có nhiều những hoạt động để động viên các cựu cầu thủ gặp khó khăn trong cuộc sống.
Cựu danh thủ Mai Đức Chung (Tổng cục Đường sắt) và Tư Lê (Cảng SG), giờ gặp lại nhau, tóc đã phai màu. Ảnh: Hoàng Tùng |
Đánh dấu cho việc ra mắt Liên chi hội Cựu cầu thủ bóng đá Việt Nam, các cựu danh thủ đã chia thành 3 đội bóng là Hồng Hà (miền Bắc), Trường Sơn (miền Trung) và Cửu Long (miền Nam) để cùng nhau sống lại một thời tung hoành sân cỏ. Ngày 14/4, Festival Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long được tổ chức tại TP.HCM với sự tham dự của các cựu cầu thủ vang bóng một thời trên mọi miền đất nước.
Festival Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long diễn ra đầy ý nghĩa đúng thời điểm chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sân vận động Thống Nhất mở cửa miễn đón đông đảo các CĐV đến xem các trận đấu. Ba đội thi đấu vòng tròn 1 lượt, mỗi trận dài 50 phút (25 phút/hiệp) và thay người không hạn chế. Thời gian vừa đủ dài cho những cầu thủ đã ở lứa tuổi mà thể thao chỉ còn là cuộc dạo chơi để nhìn lại chặng đường dài vinh quang mình đã trải qua.
Lan tỏa những niềm vuiNhững cầu thủ vang bóng một thời với những tên tuổi từng làm nên lịch sử của bóng đá Việt Nam đã hội tụ và ra sân ở cái tuổi 60, 70... Họ cùng ôn lại những kỷ niệm xưa, những giá trị lịch sử lớn để thế hệ sau biết đến những khó khăn nhưng rất oanh liệt của thế hệ cha anh. Nhiều người biết tin đã cố gắng đến sân, nhưng vì lý do sức khỏe nên không thể vào sân thi đấu cùng đồng đội.
Không thể đá, nhưng được gặp lại anh em, đồng đội ai cũng mừng mừng, tủi tủi. Bởi với họ, dễ gì có cơ hội và điều kiện để hội ngộ như thế này. Mỗi trận đấu chỉ diễn ra trong 50 phút, nó vẫn đủ cho những đôi chân “thời gian” mệt rã. Quan trọng hơn nữa những “đôi chân váng bóng một thời” đó vẫn khiến cho hàng trăm khán giả trên sân Thống Nhất ngày hôm đó phải gật gù. Và những Thế Anh, Thụy Hải, Đặng Trần Chỉnh, Đoàn Phùng... đã có một buổi chiều đầy xúc cảm.
Minh “nhí” ghi 2 bàn giúp đội Cửu Long thắng đội Hồng Hà 2 - 1, qua đó giành ngôi vô địch. Ảnh: Hoàng Tùng |
Rất đông khán giả đã đến sân để mong gặp những thần tượng một thời như Chính “cối”, Minh “nhí”, Trần Chỉnh... Đến xem những tên tuổi một thời của bóng đá Việt Nam lại tung hoành trên sân, dù sức khỏe lẫn phong độ đã giảm sút đi nhiều. Trên sân, những Mai Đức Chung, Nguyễn Minh Điểm, Nguyễn Hoàng Minh, Nguyễn Văn Thành... dù đã bước sang tuổi lục, thất thập vẫn thể hiện những bước chạy khoan thai, cùng những pha xử lý bóng tinh tế. Người hâm mộ đã thực sự mãn nhãn khi gặp lại những pha bóng, những tình huống đối đầu đã trở thành giai thoại của bóng đá Việt Nam ngày nào. Giải đấu có đội thắng, đội thua, tuy vậy, kết quả không phải là yếu tố được đề cao tại giải đấu như thế này. Giải đấu kết thúc với chức vô địch thuộc về Cửu Long, đội đã toàn thắng 2 trận (thắng Trường Sơn 1 - 0, Hồng Hà 2 - 1). Ở trận đấu còn lại, Hồng Hà và Trường Sơn đã hòa nhau với tỉ số 0 - 0. Với kết quả này, đội cựu cầu thủ Hồng Hà giành giải nhì và Trường Sơn giải ba.
Đội Hồng Hà với những danh thủ phía Bắc, từng khoác áo Tổng cục Đường sắt, Bưu điện, Thể Công, Quân khu Thủ đô, Quân khu 3, Phòng không không quân, Cảng Hải Phòng, Công an Hải Phòng, Điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, SLNA, như: Nguyễn Cao Cường, Nguyễn Thế Anh, Bùi Xuân Cơ, Mai Đức Chung, Hoàng Gia, Nguyễn Minh Điểm, Ngô Lê Bằng... Trong khi đội Trường Sơn là sự tập hợp những danh thủ miền Trung, của Huế, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Khánh Hòa như: Đoàn Phùng, Dương Ngọc Hùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Tạ Mạnh Thôi... Còn đội Cửu Long, tập hợp những danh thủ phía Nam, từng khoác áo Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp, Công an TP HCM, Bình Dương, như: Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Văn Thòn, Minh "nhí", Lưu Kim Hoàng, Nguyễn Văn Thành, Hồ Văn Tam... |
Theo tiền đạo của đội Phú Khánh cũ, ông Phạm Ngọc Hùng: "Bao nhiêu năm rồi, chúng tôi mới lại được chơi bóng với nhau. Đây không chỉ là dịp để các cựu binh có cơ hội gặp lại nhau, mà còn là để gìn giữ những hình ảnh cho nền bóng đá nước nhà. Cựu tiền đạo Ngọc Hùng cũng nhắn nhủ lớp trẻ hôm nay rằng: "Thế hệ trẻ hiện tại may mắn hơn chúng tôi rất nhiều. Có điều kiện tốt hơn. Các thế hệ đàn anh luôn mong mỏi các em không ngừng trau dồi, cố gắng, để góp ích cho nước nhà".
Cựu danh thủ của Tổng cục Đường sắt Mai Đức Chung chia sẻ: "Dù đã nhiều lần được đá trên sân Thống Nhất, nhưng lần này đã mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc. Nhìn thấy anh em còn khỏe và ra sân cùng nhau, tôi vui lắm. Đáng tiếc, một số anh em vì nhiều lí do đã không thể góp mặt trong dịp đặc biệt này".
Festival bóng đá Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long sẽ được tổ chức thường niên, dự kiến năm sau giải sẽ diễn ra ở Hải Phòng. Giải đấu sẽ trở thành truyền thống hằng năm để thế hệ đi sau biết rằng ngày xưa, cha anh của họ đã chơi bóng bằng tình yêu, niềm đam mê như thế nào để gìn giữ những giá trị truyền thống trong bóng đá.
Bình Minh