Các nhà hoạt động công đoàn và thanh niên Pháp tham gia đình công và biểu tình ở Rungis, phía nam thủ đô Paris ngày 9/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chỉ còn một ngày nữa Vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu EURO 2016 sẽ chính thức khởi tranh, song Chính phủ Pháp và các nghiệp đoàn vẫn chưa tìm được giải pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng xã hội kéo dài hơn ba tháng qua do các cuộc đình công phản đối dự luật cải cách lao động tại nước này. Mặc dù thời điểm trái bóng tròn bắt đầu lăn trên sân cỏ chỉ còn tính bằng giờ, nhưng các tổ chức công đoàn vẫn thể hiện thái độ cứng rắn, tiếp tục kêu gọi đình công nhằm buộc chính phủ phải rút lại dự luật lao động gây tranh cãi.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong ngày 9/6, các cuộc đình công vẫn tiếp diễn tại Công ty đường sắt quốc gia (SNCF), trong khi hệ thống tàu điện ngầm và tàu cao tốc nội đô vùng thủ đô Ile-de-France tiếp tục rối loạn với khoảng 50% số tàu ngừng hoạt động. Các tổ chức công đoàn đe dọa sẽ kêu gọi 100% lái tàu trên tuyến tàu cao tốc nội đô RERD, nối Paris với sân vận động Stade de France tại thành phố Saint-Denis, đình công vào ngày khai mạc 10/6.
Trước tình hình giao thông khó khăn trong ngày khai mạc, ông Alain Krakovitch, Tổng Giám đốc công ty đường sắt SNCF Transilien (chuyên chở hành khách trong nội đô vùng Ile-de-France), khuyến cáo người lao động sử dụng tuyến tàu RER D trở về nhà sớm nhất có thể. Tương tự, khán giả xem trận mở màn Pháp-Rumani nên sớm có mặt tại sân vận động Stade de France, và khu vực này sẽ mở cửa từ 18 giờ mặc dù trận đấu sẽ chỉ bắt đầu vào lúc 21 giờ.
Về phần mình, Ban lãnh đạo hãng hàng không Air France thông báo sẽ hủy một số chuyến bay trong các ngày 11 và 14/6 sau khi không đạt được một thỏa thuận với 3 nghiệp đoàn phi công Pháp tại cuộc thương lượng ngày 8/6. Quyết định này khiến Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) lo ngại do Air France đảm nhiệm việc chuyên chở các trọng tài điều khiển các trận đấu. Trong khi đó, đình công khiến rác thải không được thu gom, gây ô nhiễm tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp, đặc biệt là tại Paris và Marseille.
Tình hình trên chẳng những khiến chính phủ Pháp đau đầu mà còn làm nản lòng người hâm mộ. Chưa có dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ chuyển biến theo hướng tích cực. Các tổ chức công đoàn trong các ngành vận tải như đường sắt, hàng không thông báo sẽ tiếp tục phối hợp hành động trong những ngày tới.