Rúng động cả châu Á
Có thể nói, trong hơn một năm qua, bóng đá Việt Nam đã liên tiếp khiến cho cả châu Á phải nể trọng, từ giải đấu này vắt qua giải đấu khác, sân chơi này đến sân chơi nọ, với đủ các cấp độ đội tuyển quốc gia trong khoảng 3 năm qua. Bắt đầu bằng suất chơi bán kết VCK U19 châu Á 2016, đến vé dự FIFA U20 World Cup 2017, ngôi Á quân U23 châu Á 2018 và bán kết ASIAD 18… Chúng ta khép lại năm 2018 đại cát bằng chức vô địch Đông Nam Á - AFF Suzuki Cup, để mở ra chiến dịch năm 2019 với một vị trí trong tốp 8 đội tuyển quốc gia mạnh nhất giải châu lục.
Tất cả đều không tự nhiên đến, mà nó là sự tích lũy, đầu tư, đầy tính kế thừa, là tiếp quản. Nền bóng đá đã và đang sở hữu một thế hệ cầu thủ mới đầy tài năng, song không thể phủ nhận vai trò của các HLV. Người ta tính rằng, một HLV tốt có thể chỉ làm tăng thêm 10% sức mạnh cho đội bóng, nhưng một HLV tồi có thể triệt tiêu luôn tham vọng của đội bóng. Chúng ta may mắn có Hoàng Anh Tuấn (với U19 và U20 quốc gia) và đặc biệt là Park Hang-seo ở các cấp độ cao hơn. Tâm thế của bóng đá Việt Nam lúc này rất khác.
Ông Park và học trò của ông "cuốn phăng" Australia, Iraq và Qatar tại Thường Châu, Trung Quốc, để lừng lững tiến vào trận đấu cuối cùng giải U23 châu Á gặp Uzbekistan. Tại Tây Java, Indonesia, đến lượt Nhật Bản, Bahrain và Syria làm bại quân của Olympic Việt Nam, môn bóng đá Nam ASIAD 2018. Nền bóng đá và người hâm mộ tiếp tục tận hưởng niềm vui chiến thắng trong những ngày qua, lần này là Yemen và Jordan… Nó không phải là câu chuyện ở xứ "1001 đêm", mà là thành quả xứng đáng sau những nỗ lực.
Tự chúng ta cảm nhận được năng lực cạnh tranh của mình, song điều quan trọng, bè bạn châu lục đã phải nhìn chúng ta bằng một ánh mắt khác. Đấy là sự tôn trọng và thậm chí là nể phục, sợ sệt. Sự quảng bá tuyệt vời.
Mơ làm nên điều kỳ diệu trước Nhật Bản
Không phải đợi đến khi Nhật Bản bỏ lại Saudi Arabia ở vòng 1/8, chúng ta mới biết sức mạnh của đội bóng xứ sở hoa Anh đào. Nền bóng đá thường xuyên góp mặt tại FIFA World Cup kể từ năm 1998 này được đánh giá là số 1 châu lục, cả ở cấp độ đội tuyển quốc gia lẫn hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia J-League và thậm chí cả bóng đá học đường, bóng đá trẻ… Lịch sử, được đối đầu với đội tuyển Nhật Bản đã là một vinh dự, chứ khoan nói đến chiến thắng hay cầm hòa họ. Thực tế, chúng ta chưa từng thắng Nhật Bản.
Năm 2007, khi AFC Asian Cup được tổ chức lần đầu tiên tại 4 nước Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam đã vừa đá (với Nhật Bản) vừa mong UAE có thể thắng hoặc cầm chân Qatar ở lượt trận cuối (diễn ra song song tại Mỹ Đình, Hà Nội và Quân khu 7, TP.HCM). Điều kỳ diệu đã đến, khi UAE đã thắng Qatar 2 - 1, giúp Việt Nam lần đầu tiên đặt chân vào tứ kết ở giải vô địch châu Á đầu tiên tham dự, bất kể thầy trò HLV Alfred Riedl đã để thua Nhật Bản 1-4 trong trận đấu diễn ra cùng giờ.
Tình huống tương tự với đội tuyển Việt Nam ở AFC Asian Cup 2019, khi cũng phải đợi đến lượt trận cuối cùng vòng bảng, chúng ta mới chắc suất đi tiếp. Jordan ở vòng 1/8 là đối thủ vừa miếng và các học trò của HLV Park Hang-seo đã chơi rất hay, chiến thắng thuyết phục, với các chỉ số chuyên môn vượt trội. Nhưng Nhật Bản đã và luôn luôn là một phạm trù khác. Đây là đội bóng mạnh về chinh phục và ở châu Á, họ đã vô địch 4/16 lần giải đấu được tổ chức. Tất cả chỉ diễn ra ở 7 giải gần nhất, kể từ năm 1992.
HLV Park Hang-seo không phải không có những phương án chống Nhật Bản ở tứ kết tới đây, song ngoài ra, chúng ta cũng cần cầu nguyện và cổ vũ nhiệt tình nữa để tiếp thêm sức mạnh cho đội bóng. Chàng David bé nhỏ vẫn có thể chiến thắng gã khổng lồ và trong một ngày đẹp trời, một đội bóng bị đánh giá thấp hơn rất nhiều, vẫn có thể hạ gục đối thủ mạnh hơn. Đấy chính là sự hấp dẫn muôn thuở của môn thể thao vua. Biết đâu được, "quái vật tí hon" lại tiếp tục làm nên chuyện?
Tiến lên nào các chàng trai của ông Park Hang-seo!