Chốt phiên 20/8, chỉ số Dow Jones tăng 225,96 điểm, hay 0,7%, lên 35.120,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,87 điểm, hay 0,8%, lên 4.441,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 172,87 điểm, hay 1,2%, lên 14.714,66 điểm.
Trong phiên cuối tuần, các nhà đầu tư tăng cường mua vào cổ phiếu công nghệ thông tin, năng lượng và tài chính, những mã giảm mạnh nhất trong tuần. Giám đốc đầu tư tại CIBC Private Wealth Management, David Donabedian, cho rằng làn sóng thanh khoản quá mạnh là yếu tố chính đẩy thị trường đi lên.
Trong phiên trước (19/8), chỉ số S&P 500 tăng 0,1% lên 4.405,80 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,1%, lên 14.541,79 điểm, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 0,2% xuống 34.894,12 điểm, khi thị trường đánh giá về số liệu việc làm của Mỹ lạc quan hơn dù vẫn còn nhiều lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.
Chứng khoán Mỹ đã giảm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 18/8, khi Fed báo hiệu về khả năng thu hẹp các biện pháp kích thích vào cuối năm đã gia tăng những lo lắng về ảnh hưởng từ làn sóng COVID-19 mới nhất. Chỉ số Dow Jones giảm tới 1,1% xuống 34.960,69 điểm, chỉ số S&P 500 cũng sụt mất 1,1% xuống 4.400,27 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite để mất 0,9% và khép phiên ở mức 14.525,91 điểm.
Trong phiên 17/8, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp, sau khi báo cáo về hoạt động bán lẻ tại Mỹ “đào sâu” mối lo ngại về đợt bùng phát trở lại dịch COVID-19 gần đây. Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 0,8% xuống 35.343,28 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,7% xuống 4.448,08 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,9% xuống 14.656,18 điểm.
Chứng khoán Mỹ phần lớn đã đảo ngược đà giảm trước đó và đóng phiên 16/8 trong sắc xanh với những mức cao kỷ lục mới, trước khi kết quả kinh doanh của nhiều nhà bán lẻ lớn và các số liệu kinh tế quan trọng được công bố. Khép lại phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 0,3% lên 35.625,40 điểm, mức đóng phiên cao kỷ lục thứ năm liên tiếp của chỉ số này. Chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 4.479,70 điểm, cũng là mức đóng cửa cao kỷ lục thứ năm liên tiếp. Nhưng chỉ số công nghệ Nasdaq lại giảm 0,2% xuống 14.793,76 điểm.
Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 0,6%, chỉ số Dow Jones giảm 1,1% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,7%.
Theo số liệu của FactSet, lĩnh vực năng lượng giảm 7,3% trong tuần, trong khi tài chính giảm 2,3%.
Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược đầu tư của công ty quản lý tài sản Glenmede, Michael Reynolds, cho rằng sẽ có phần khó khăn khi quyết định đổ tiền quá mạnh vào cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn của Mỹ. Tuy nhiên, Glenmede vẫn quan tâm đến một số lĩnh vực như cổ phiếu quốc tế vốn hóa nhỏ cũng như các quỹ tín thác đầu tư bất động sản.
Theo các nhà nghiên cứu tại Capital Economics, sự lây lan của biến thể Delta tiếp tục gây sức ép lên thị trường. Trong tuần qua, những lo ngại về số ca nhiễm COVID, số người nhập viện và số ca tử vong tăng mạnh tại Mỹ đã ảnh hưởng đến xu hướng đi lên của thị trường.
Chủ tịch Fed tại Dallas, Rob Kaplan, nói ông có thể cân nhắc lại kêu gọi về việc Fed cần nhanh chóng giảm tốc độ mua 120 tỷ USD trái phiếu và các chứng khoán có bảo đảm mỗi tháng, nếu sự lây lan của biến thể Delta làm chậm tăng trưởng kinh tế.