Các hộ chăn nuôi lỗ 1.500 tỷ đồng vì giá thịt lợn 'lao dốc'

Người chăn nuôi Hà Nội đang lỗ 1 - 1,6 triệu đồng/con lợn. Với số lượng 1,5 triệu con lợn thịt bán ra từ tháng 10/2016 tới nay, các hộ chăn nuôi trên toàn thành phố Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.

Đó là thông tin được Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội đưa ra sáng nay 27/4, tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội với sự tham gia của nhiều chủ các trang trại lợn lớn trên toàn thành phố Hà Nội.

Ngành chăn nuôi lợn đang lao đao vì giá thịt lợn lao dốc. Ảnh: TTXVN

"Cắm" sổ đỏ để duy trì đàn lợn

Theo Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, giá lợn hơn trên thị trường trong 6 tháng trở lại đây bình quân là 25.000 đồng/kg, trong khi giá sản xuất trung bình là 33.000 đồng/kg (đối với các hộ phải mua lợn giống là 39.000 đồng/kg).

Do vậy, người chăn nuôi thiệt hại khoảng 1 triệu đồng/một con lợn (đối với các hộ phải mua lợn giống là 1,6 triệu đồng/con). Với số lượng 1,5 triệu con lợn thịt bán ra từ tháng 10/2016 tới nay, các hộ chăn nuôi trên toàn thành phố Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.

Theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội): “Giá lợn xuống thấp quá nhiều khiến các trang trại thay vì đưa lợn ra lò mổ để giết thịt, họ đã tự giết mổ ngay tại trang trại để giảm chi phí. Hôm qua tôi đi thăm các trạng trại nuôi lợn, nhiều trang trại nuôi đã phải cắm hết sổ đỏ để duy trì nuôi lợn mà lợn vẫn chưa bán được, tình hình đang rất khó khăn cho người nuôi”.


Lợn dư thừa quá lớn trong dân, cung vượt cầu, ông nguyễn Hưng Thỉnh - Chủ trại nuôi lợn xã Thọ Lộc, Phúc Thọ (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Vì sao lại có tình trạng này, có phải vì không có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, không cung cấp thông tin cho bà con, định hướng thị trường, kế hoạch sản xuất chăn nuôi trong năm. Lợn trong dân dư thừa mà vẫn có nhiều DN nhập khẩu thịt lợn, tại sao lại như thế”.

“Lợn đã 'ăn nát' sổ đỏ, lợn 'ăn'cả két tiền của người nuôi. Bà con không có tiền mua thức ăn cho lợn, thậm chí phải 'cắm' cả sổ đỏ để duy trì đàn lợn" , ông Thỉnh đau xót nói.

Còn theo ông Đinh Xuân Thủy, chủ hộ nuôi lợn xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa (Hà Nội): "Bán 15 kg lợn mới được 300.000 đồng. Các hố chôn lợn giờ nhiều như nghĩa trang, vì lợn con không nuôi được, cũng không bán được. Bà con nông hộ hết tiền mất rồi. Mong nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay để chúng tôi bớt đi phần nào khó khăn, bà con tiếp tục duy trì sản xuất".

Cấp bách giảm đàn nái

Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay số lượng lợn nái còn nhiều nên lượng cung dư thừa vẫn còn kéo dài. Trong những tháng tới tình hình chăn nuôi sẽ còn khó khăn hơn nữa khi bước sang mùa hè nóng nực, người tiêu dùng sẽ ít ăn thịt hơn, thay vào đó họ sẽ chuyển sang ăn các sản phẩm khác như hải sản, thịt gà, vịt.

Để ổn định tình hình, ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho rằng: “Các hộ nuôi cần giảm nhanh đàn lợn nái, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cần loại ngay lợn nái kém chất lượng, năng suất sinh sản thấp (hiện chiếm khoảng 30 - 40% tổng đàn nái), đối với Hà Nội cần giảm đàn lợn nái xuống còn 180.000 - 200.000 con. Đồng thời loại thêm lợn con sơ sinh có trọng lượng thấp dưới 0,8kg/con, sức khỏe kém.

Ngoài ra, các DN giết mổ, chế biến cần hợp tác với trại chăn nuôi để giết mổ, chế biến cấp đông sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thức ăn từ lợn, tăng sức tiêu thụ của thị trường trong nước, tăng cường giết mổ cấp đông lợn sữa để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước.

H.V/Báo Tin Tức
Giá thịt lợn đang bị thao túng
Giá thịt lợn đang bị thao túng

Trong khi người chăn nuôi đang thua lỗ nặng vì giá lợn rớt thê thảm thì người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao. Chỉ có thương lái, tiểu thương đang là “ngư ông đắc lợi".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN