Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) chốt phiên giảm 1,06%, hay 235,18 điểm, xuống 21.996,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,44%, hay 14,39 điểm, xuống 3.252,2 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,73%, hay 205,82 điểm, lên 27.821,43 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 0,4%, hay 10,91 điểm, lên 2.757,65 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á giảm sau ba phiên tăng mạnh và sau phát biểu từ các quan chức Nga làm giảm hy vọng về tiến triển trong đàm phán hòa bình với Ukraine.
Các nhà giao dịch nhận được sự khích lệ trong phiên 30/3 trước tin Nga cam kết sau các cuộc đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ về việc giảm các hoạt động quân sự.
Hai bên ban đầu thông báo các cuộc đàm phán vào ngày 29/3 có tín hiệu tích cực, nhưng người phát ngôn của điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói Nga không thể tuyên bố về bất kỳ điều gì quá hứa hẹn.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các Ngoại trưởng Nga và Ukraine có thể tiếp tục đàm phán trong vòng hai tuần tới.
Xung đột đã gây ra những tác động đến kinh tế toàn cầu, với các dự báo tăng trưởng năm nay bị hạ xuống. Ngày 31/3, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) dự báo GDP của Nga và Ukraine sẽ giảm tương ứng 10% và 20% trong năm nay.
Một yếu tố gây thêm sức ép bán ra là số liệu cho thấy lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc giảm tốc hơn nữa, do các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch ở nước này.
Các nhà đầu tư đang chờ báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 1/4 để đánh giá về tác động của việc lạm phát tăng mạnh và xung đột đến nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Báo cáo việc làm có thể cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ khi chuyển hướng đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất nhằm kiểm soát đà tăng của giá cả, điều đang gây lo ngại sẽ cản trở tăng trưởng.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 31/3, chỉ số VN-Index tăng 1,64 điểm (0,11%) lên 1.492,15 điểm, HNX-Index giảm 1,57 điểm (0,35%) xuống 449,62 điểm.