Giá vàng châu Á hướng tới tuần tốt nhất trong 7 tháng
Giá vàng châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 13/10 và đang hướng tới tuần tốt nhất trong 7 tháng do xung đột ở Trung Đông, được hỗ trợ bởi kỳ vọng lãi suất của Mỹ có thể đã đạt mức cao nhất khi thị trường đánh giá số liệu lạm phát mới nhất.
Giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.878,70 USD/ounce vào lúc 14 giờ 27 (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,5% lên 1.892,80 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD đã đảo chiều sau khi tăng mạnh trong phiên trước và gây áp lực lên giá vàng trong bối cảnh dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng trong tháng 9/2023.
Nhu cầu mua vàng để bảo toàn tài sản trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas, khiến giá kim loại này hướng tới mức tăng hơn 2% trong tuần này, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2023.
Tại Việt Nam, vào cuối phiên 13/10, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 69,50 - 70,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á đi lên
Giá dầu châu Á tăng 2 USD trong phiên chiều 13/10 sau khi Mỹ thắt chặt chương trình trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Nga, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung - vốn đã thắt chặt, và dự trữ toàn cầu được dự báo sẽ giảm trong quý IV/2023.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 1,96 USD (2,28%) lên 87,96 USD/thùng vào lúc 15 giờ 19 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,98 USD (2,39%) lên 84,89 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu này trước đó đều tăng 2 USD.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong cho biết thị trường lo ngại nhất về những hạn chế nguồn cung từ Trung Đông và Nga.
Hôm thứ Năm (12/10), Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên đối với các chủ tàu chở dầu của Nga vận chuyển số lượng dầu được bán với giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và là nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới. Việc Mỹ giám sát chặt chẽ các chuyến tàu chở dầu của nước này có thể làm giảm nguồn cung.
Daniel Hynes, chuyên gia cao cấp tại ngân hàng ANZ, cho biết các vấn đề về nguồn cung vẫn là trọng tâm trên thị trường dầu thô. Chuyên gia Hynes cho rằng tâm lý của các nhà đầu tư cũng chịu tác động sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến dự trữ dầu thô sẽ giảm 3 triệu thùng/ngày trong quý này.
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm
Thị trường chứng khoán châu Á đảo chiều trong phiên giao dịch chiều 13/10, kết thúc đợt phục hồi kéo dài một tuần, khi báo cáo lạm phát của Mỹ vượt mức dự báo làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất một lần nữa trước khi kết thúc năm nay.
Chốt phiên 13/10, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,6% xuống 32.315,99 điểm, Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,3% xuống 17.813,45 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,6% xuống 3.088,10 điểm.
Thị trường Singapore, Mumbai, Seoul, Sydney, Jakarta và Wellington cũng giảm điểm.
Mặc dù các nhà quan sát cho rằng số liệu này khó có thể tác động đến Fed trong việc ra quyết định trước cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 11/2023, nhưng đã khiến các nhà giao dịch bất an và phải rời khỏi vùng an toàn.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 13/10, VN-Index tăng 3,12 điểm lên 1.154,73 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 621,4 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 13.956 tỷ đồng. Toàn sàn có 192 mã tăng giá, 274 mã giảm giá và 82 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,61 điểm lên 239,05 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 90,9 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.982 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 90 mã giảm giá và 55 mã đứng giá.