Các tổ chức nước ngoài dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt khi kiểm soát được dịch COVID-19

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) Việt Nam năm 2021 là 6,6%, trong khi mục tiêu Chính phủ Việt Nam đặt ra 6,5%. Còn Ngân hàng United Oversea Bank dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt ở mức khá cao là 7,1%.

Chú thích ảnh
Quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% - tốc độ tăng vượt qua các nền kinh tế lớn ở Châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan. Ảnh: TTXVN.
 

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang được cộng đồng trong nước và thế giới ghi nhận cao. Đây là kết quả tổng hợp, thước đo khả năng tự chủ, tự cường của nền kinh tế, khẳng định hiệu quả phản ứng chính sách và phản ứng thị trường của Đảng, Nhà nước, toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam.

“Với sự gia tăng của chu kỳ công nghệ, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ổn định và nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam vẫn tự hào là một trong những nước có triển vọng tăng trưởng sáng giá nhất ở châu Á. Đà phát triển mạnh mẽ của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục sau những biện pháp hiệu quả của việc ngăn chặn COVID-19. Chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ tăng 6,6%, phù hợp với mục tiêu 6,5% do Chính phủ đề ra", báo cáo HSBC cho biết.

Mặc dù có một làn sóng bùng dịch lần thứ 3 trước Tết vào tháng 2/2021, nhưng nhìn chung tình hình đã được kiểm soát trong vòng một tháng, giúp Việt Nam bắt đầu năm 2021 một cách ổn định.

Phía HSBC dẫn chứng: GDP quý I/2021 của Việt Nam tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do nhu cầu đối với các mặt hàng thiết bị điện tử và máy móc tăng, xuất khẩu quý I/2021 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu đã được hưởng lợi từ một chu kỳ công nghệ toàn cầu gia tăng mạnh mẽ và sự quan tâm dành cho các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra khá ổn định. 

Khối Nghiên cứu Kinh tế HSBC dự đoán: Lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề ra. Theo nhóm chuyên gia kinh tế HSBC, lạm phát không còn là vấn đề đáng lo, NHNN có thể linh hoạt hơn để giữ nguyên chính sách tiền tệ của mình năm 2021. 

Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam mới đây, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% với tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ ở mức 4%. Còn Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Quốc gia của Việt Nam ở mức “Ba3” và nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực.

Còn Trang MoneyWeek của Anh đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất châu Á thời gian tới. Lần đầu tiên sau 27 năm, một Tổ chức xếp hạng uy tín của Mỹ công bố Việt Nam vào nhóm có nền kinh tế tự do trung bình với nhiều tiêu chí được cải thiện theo hướng tích cực. Theo bảng xếp hạng do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) của Mỹ, năm 2021 là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 2,9 điểm - chủ yếu do “sức khỏe” tài chính được cải thiện - và thăng 15 bậc so với năm ngoái, từ nhóm được xem hầu như không có tự do về kinh tế.

Theo HSBC, mặc dù Việt Nam đang trên đà phục hồi kinh tế nhưng vẫn có những rủi ro đáng chú ý. Đầu tiên và quan trọng nhất là việc triển khai tiêm chủng có nguy cơ bị kéo dài mà có thể làm chậm quá trình phục hồi dịch vụ du lịch của đất nước. Việt Nam dự kiến sẽ nhận được 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số vào năm 2021. Những bất ổn vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sự chậm trễ trong việc cung cấp vaccine gần đây. Tuy nhiên, cũng có những sáng kiến sản xuất vaccine trong nước: Vaccine Nanocovax do Việt Nam sáng chế đầu tiên dự kiến sẽ có mặt trên thị trường trong quý IV/2021 và đưa vào sử dụng vào năm 2022 có khả năng sẽ đẩy nhanh việc tung ra vaccine.

"Việt Nam cần cảnh giác trước những nguy cơ toàn cầu do đại dịch COVID-19 kéo dài; sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính; sự suy giảm và thu hẹp thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp trong khi tăng áp lực  thất nghiệp và ô nhiễm môi trường, thời tiết cực đoan, gắn với biến đổi khí hậu…", đại diện ADB cho biết.

Theo đó năm 2021, Việt Nam cần chú ý chủ động các kịch bản và giải pháp đối phó với áp lực gia tăng nợ xấu ngân hàng và nợ công gắn với khả năng thanh toán nợ vay và nộp thuế của doanh nghiệp. Một số ngành sẽ tiếp tục gặp khó khăn, như du lịch và vận tải hàng không quốc tế. Tuy vậy, một số ngành sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, như ngành dệt may, da giày…

  Nâng triển vọng cho Việt Nam, sự tin tưởng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm 

Theo Bộ Tài chính, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa khẳng định lại xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.

Cơ sở tổ chức Fitch Ratings nâng Triển vọng lên “Tích cực” phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam, một trong rất ít nền kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và thuộc nhóm các nước hạng BB có thể duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91% vào năm 2020 trước đại dịch COVID-19. Phía Fitch Ratings ghi nhận các thành quả về tài khóa, nợ công của Việt Nam, thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát nhanh chóng dịch COVID ngay từ ngày đầu, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm sớm hồi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Tổ chức này dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam khoảng 7% vào năm 2021 và 2022, cùng với đà phục hồi kinh tế toàn cầu giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu, hoạt động kinh tế trong nước được bình thường hóa và Chính phủ sẽ tiếp tục ngăn chặn thành công dịch COVID-19.
Minh Phương/Báo Tin tức
Quý I/2021, GDP của cả nước ước tăng 4,48%
Quý I/2021, GDP của cả nước ước tăng 4,48%

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 29/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,% của quý I/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN