Chi ngân sách thấp hơn thu
Theo Bộ Tài chính, thu NSNN đến hết tháng 8/2019 ước đạt 997.600 tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán. Riêng thu nội địa ước đạt hơn 808.000 tỷ đồng, giảm 44.800 tỷ đồng so với tháng trước, chủ yếu do các khoản thuế theo quy định được kê khai và nộp theo quý (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng) đã được nộp trong tháng 7, sang tháng 8 phát sinh thấp.
Nguồn thu từ dầu thô ước đạt 4.600 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 26.500 tỷ đồng, giảm khoảng 3.500 tỷ đồng so với tháng trước, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu lớn giảm (xăng, dầu giảm 21%, ô tô nguyên chiếc giảm 32,7%; chất dẻo nguyên liệu giảm 3,8%...). Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng đạt 13.300 tỷ đồng.
Luỹ kế thu NSNN 8 tháng ước đạt 997.600 tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái (thu NSNN 8 tháng năm 2018 đạt 67,2% dự toán); trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 556.000 tỷ đồng, bằng ,7% dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 441.600 tỷ đồng, bằng 73,4% dự toán.
Tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 124.490 tỷ đồng; lũy kế chi 8 tháng đạt 901.350 tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán. “Các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 8 và 8 tháng năm 2019 được quản lý chặt chẽ, theo đúng dự toán của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội; đảm bảo kinh phí tăng lương tối thiểu cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN…”, đại diện Bộ Tài chính nói.
Đến ngày 30/9, dự án nào không giao được vốn sẽ bị thu hồi
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 8 tháng năm nay trên 161.286 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2018 đạt 45,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Có 5 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70% như: Hải Dương đạt hơn 85%, Ninh Bình hơn 82%; Hưng Yên, Thanh Hóa, Phú Yên đạt hơn 70%. Khối các bộ, ngành, cao nhất là: Hội Nhà văn Việt Nam với hơn 83%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 80%, Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 78%, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng giải ngân đều đạt hơn 73%.
Tuy nhiên, có đến 29 bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Trong đó, khối các địa phương mặc dù thấp nhưng cũng ở ngưỡng từ hơn 15% đến hơn 35%; còn các bộ, ngành chưa giải ngân được đồng vốn nào, cá biệt như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có bộ, ngành gần như chưa giải ngân (giải ngân dưới 1%). Với những bộ có kế hoạch vốn giao lớn như Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo giải ngân vẫn thấp, dưới 30% kế hoạch vốn.
Đại diện Bộ Tài chính lý giải: Việc chậm giải ngân kế hoạch vốn thường tập trung vào một số nguyên nhân như: Vướng mắc trong công tác xây dựng, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn; một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao vốn, nên không thể giải ngân; phân bổ kế hoạch vốn còn chậm, giao nhiều lần chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án...
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết: Mới đây, công điện của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2019. Giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đề ra là đến ngày 30/9, nếu dự án nào không có khả năng thực hiện, không giao được vốn thì sẽ bị thu hồi. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ…
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, để tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì cần kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, triển khai chậm, hay thậm chí chưa chuẩn bị đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định, để tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả cao, triển khai đúng tiến độ, làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, có thể cho phép những dự án đầu tư tốt được đầu tư vượt tiến độ kế hoạch để sớm đưa vào khai thác.
Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách thủ tục quản lý đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những chủ đầu tư dự án tốt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đi đôi với giải ngân vốn kịp thời, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp...