Bên cạnh đó, sự yếu đi của đồng USD cũng hỗ trợ đà tăng cho giá dầu khi khiến “vàng đen” rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Vào lúc 14 giờ 40 phút, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 60 xu Mỹ (0,7%) lên 81,47 USD/thùng, sau khi giảm 1% trong phiên trước. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng xu Mỹ (0,9%) lên 78,91 USD/thùng, sau khi giảm 0,8% trong phiên trước.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu trong một phiên điều trần trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ và ông có thể đưa ra những chi tiết mới trong kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.
Gần đây, giá dầu đã chịu sức ép do mối lo ngại đà tăng các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Ravindra Rao, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại công ty môi giới chứng khoán Kotak Securities, có trụ sở tại Ấn Độ, nhận định đà tăng các ca mắc COVID-19 đã làm dấy lên lo ngại về những tác động đến hoạt động đi lại cũng như nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, vẫn chưa có nền kinh tế lớn nào xem xét áp dụng chính sách đóng cửa nghiêm ngặt.
Theo ông Rao, các vấn đề liên quan đến nguồn cung và xu hướng trên thị trường chứng khoán sẽ là những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá dầu thô trong ngắn hạn.
Một số nhà phân tích nhận định nguồn cung thắt chặt từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, cũng đang hỗ trợ giá dầu. Các nhà phân tích chỉ ra rằng nguồn cung bổ sung của OPEC đang thấp hơn mức tăng theo thỏa thuận về sản lượng của OPEC+, vì một số quốc gia, bao gồm cả Nigeria, không cung ứng đủ sản lượng như đã cam kết.
Hiện thị trường cũng đang chờ đợi ước tính về dữ trữ dầu của Viện Dầu mỏ Mỹ và số liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ công bố trong tuần này.