Cụ thể, vào lúc 14 giờ 14 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng Một đã giảm 74 xu Mỹ (0,8%) xuống 86,88 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Mười Hai giảm xu Mỹ (0,9%) xuống 79,40 USD/thùng, còn giá dầu WTI giao tháng Một giảm 59 xu Mỹ (0,7%) xuống 79,52 USD/thùng.
Trong phiên cuối tuần trước, giá cả hai loại dầu trên đều đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 27/9, ghi dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp với giá dầu Brent giảm 9% và dầu WTI giảm 10%.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) nhận định ngoài triển vọng nhu cầu yếu do các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc, đà tăng của đồng USD cũng là nhân tố làm giảm giá dầu.
Theo bà Teng, niềm tin đã trở nên mong manh khi tất cả các số liệu kinh tế của các nước lớn gần đây đều đánh đi tín hiệu về một kịch bản suy thoái, đặc biệt là tại Anh và Khu vực đồng euro (Eurozone). Bên cạnh đó, những bình luận cứng rắn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần trước cũng làm dấy lên lo ngại về triển vọng của kinh tế Mỹ.
Số ca mắc COVID-19 mới tại Trung Quốc vẫn gần mức cao nhất của tháng Tư khi nước này chiến đấu với dịch bệnh bùng phát trên toàn quốc và ở các thành phố lớn. Các trường học trên một số quận ở thủ đô Bắc Kinh đã đóng cửa các lớp học trực tuyến ngày 21/11 sau khi các quan chức yêu cầu người dân ở nhà.
Trong khi đó, tình trạng khan hiếm nguồn cung dầu thô tại châu Âu đã giảm bớt khi các nhà máy lọc dầu đã làm đầy các kho dự trữ trước khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12.