Chứng khoán 6/2: Khối ngoại làm nhẹ bớt lo ngại về rủi ro ngắn hạn

Thị trường chứng khoán hôm nay (6/2) vọt tăng vào cuối phiên và đà tăng này có phần đóng góp không nhỏ của khối ngoại.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN

Theo đó, khối ngoại mua ròng hơn 392 tỷ đồng trên HOSE; 9,51 tỷ đồng trên HNX và hơn 4 tỷ đồng trên UPCOM. Các mã được mua ròng mạnh nhất là STB đạt gần 127 tỷ đồng; tiếp đến là SSI đạt hơn 42 tỷ đồng; VCB đạt trên 31 tỷ đồng.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xu hướng dòng vốn từ khối ngoại tích cực hơn dự đoán. Với tầm nhìn đầu tư dài hạn, động lực từ khối ngoại hiện đang làm nhẹ bớt những lo ngại về rủi ro ngắn hạn.

Cụ thể là số liệu kết quả kinh doanh quý IV/2022 đi xuống. Tống lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 toàn thị trường giảm 31,4% so với cùng kỳ và giảm 54,8% nếu loại trừ lợi nhuận từ nhóm ngân hàng. Đồng thời số liệu về vĩ mô tháng 1 cho thấy nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Về diễn biến thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 6/2, VN-Index tăng 12,14 điểm lên 1089,29 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 527 triệu đơn vị, tương ứng hơn 9.657,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 219 mã tăng giá, 181 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,81 điểm xuống 214,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 53,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 797,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 83 mã giảm giá và57 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,43 điểm lên 75,96 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 19,6 triệu đơn vị, tương ứng gần 271 tỷ đồng. Toàn sàn có 124 mã tăng giá, 99 mã giảm giá và 80 mã đứng giá.

Đến cuối phiên giao dịch, hàng loạt cổ phiếu nhóm VN30 đảo chiều tăng giá là nguyên nhân chính giúp chỉ số VN-Index bứt tốc. Theo đó, các mã như HPG, FPT, VRE, SAB, POW, NVL, GAS... đều ở chiều giá xanh. Đặc biệt, các cổ phiếu ngành ngân hàng thuộc nhóm VN30 tăng rất mạnh như: BID tăng 3,8%, VCB tăng 3,2%, TCB tăng 3,1%, CTG tăng 2,9%, ACB tăng 1,6%.

Sắc xanh cũng lan tỏa tại nhóm cổ phiếu chứng khoán. Các mã trụ cột như SSI tăng 1,3%, HCM tăng 0,8%, VDS tăng 1%. Cùng đó, nhóm cổ phiếu bảo hiểm diễn biến tích cực, cổ phiếu PRE tăng 5,9%, BMI tăng 3%, AIC tăng 2%, BVH tăng 1,8%, ABI tăng 1,2%, MIG tăng 0,7%.

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, PTV tăng 6,4%, PLX tăng 4%, PVB tăng 2,5%, BSR tăng 0,6%, PVD tăng 0,3%.

SSI cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán toàn cầu đã có bước nhảy vọt chỉ trong tháng 1. Phần lớn kỳ vọng của nhà đầu tư về động thái các ngân hàng trung ương lớn chậm lại đà tăng lãi suất và câu chuyện Trung Quốc mở cửa trở lại đã phản ánh vào nhịp tăng này.

Hiện tại, SSI nghiêng nhiều hơn về kịch bản thị trường sẽ giằng co tích lũy trong tháng 2. Cung chốt lời khả năng sẽ gia tăng trong bối cảnh tháng 2 là tháng trống thông tin. Tuy nhiên, nếu dòng tiền từ khối ngoại được duy trì và bên cạnh đó là các yếu tố hỗ trợ đến từ chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ thông qua việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hay Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được sửa đổi, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 2 để được thông qua vẫn sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.

Dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn tồn tại các yếu tố rủi ro tiềm ẩn đến từ trong nước như áp lực thanh khoản hệ thống bắt nguồn từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, hay các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn sẽ kéo dài do lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ khó hạ nhiệt ngay. Trong khi đó, rủi ro căng thẳng địa chính trị vẫn chưa thể loại trừ.

SSI cho rằng, Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng GDP ở mức 6,2% cho năm 2023, đây là con số nổi bật trong bối cảnh xu hướng kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể.

Tại ngày 3/2/2023, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) dự phóng cho năm 2023 của thị trường là 8,1 lần thấp hơn 42,5% so với mức P/E trung bình là 14,16 lần trong giai đoạn 2009- 2022.

Theo góc nhìn kỹ thuật, vận động của thị trường trong tháng 2 sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm định quanh vùng 1.0 - 1.072 điểm của chỉ số VN-Index. Nếu giữ vững vùng này, khả năng mở rộng đà hồi phục theo xu thế đi lên từ cuối năm 2022 vẫn sẽ được duy trì với vùng mục tiêu 1.100 - 1.125 điểm. Ngược lại, rủi ro điều chỉnh giảm khả năng sẽ quay trở lại với vùng hỗ trợ gần là 1.050 điểm và xa hơn là nền giá 1.000 điểm.

Văn Giáp (TTXVN)
Nỗi lo lãi suất 'phủ bóng' chứng khoán châu Á phiên sáng 6/2
Nỗi lo lãi suất 'phủ bóng' chứng khoán châu Á phiên sáng 6/2

Chứng khoán châu Á đa phần đi xuống trong sáng đầu tuần 6/2, sau một loạt dữ liệu kinh tế lạc quan từ Mỹ và toàn cầu làm giảm nguy cơ suy thoái nhưng cũng cho thấy nhiều khả năng các nước sẽ phải tăng lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN