Số liệu thống kê chính thức từ Bộ Kinh tế Đức cho thấy, số đơn đặt hàng công nghiệp của nước này trong tháng Tám đã giảm mạnh hơn dự kiến do nhu cầu nội địa suy yếu. Thống kê này phát đi thêm tín hiệu cho thấy sự sụt giảm của hoạt động chế tạo có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái.
Nhưng diễn biến này lại giúp đẩy các chỉ số chứng khoán tại châu Âu đi lên.
Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,6% lên 7.197,88 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 0,6% và đạt mức 5.521,61 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 0,7% lên 12.097,43 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này cũng tăng 0,7% và khép phiên ở mức 3.471,24 điểm.
Nhà phân tích Naeem Aslam của sàn giao dịch trực tuyến ThinkMarkets cho rằng bất kỳ sự yếu kém nào trong những số liệu kinh tế tại châu Âu đều sẽ giúp củng cố khả năng rằng ECB vẫn duy trì chính sách tiền tệ hiện hành. Điều này sẽ khiến nhu cầu của các nhà đầu tư về các tài sản rủi ro như cổ phiếu tăng cao.
Trong khi đó, ở bên kia bò Đại Tây Dương, chứng khoán Phố Wall đã kết thúc một phiên giao dịch đầy biến động trong sắc đỏ khi xuất hiện nhiều “tín hiệu nhiễu” xung quanh cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống 26.478,02 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt mất 0,5% xuống 2.9,79 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 0,3% và khép phiên ở mức 7.956,29 điểm.
Tuyên bố mới đây của Nhà Trắng cho biết Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) dự kiến gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vào ngày thứ Năm này (10/10).
Chuyên gia Adam Sarhan của công ty môi giới đầu tư 50 Park Investments cho biết thị trường vẫn đang trong giai đoạn “chờ xem” để có thêm những tín hiệu rõ ràng hơn từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Chuyên gia này cho rằng thị trường đang hy vọng về một giải pháp nhanh chóng. Nhưng thực tế, nhà đầu tư biết rằng rất có thể họ sẽ phải thất vọng khi quan điểm của hai bên vẫn còn quá xa nhau trong một số vấn đề cơ bản.
Ngoài vấn đề thương mại, các nhà đầu tư cũng đang chờ các số liệu quan trọng về giá tiêu dùng, cũng như biên bản cuộc họp tháng Chín của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường cũng sẽ bắt đầu chú ý tới mùa công bố báo cáo thu nhập quý III sẽ bắt đầu từ tuần này và mở rộng ra vào tuần tới.
Còn tại thị trường Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch 7/10, chỉ số VN-Index giảm 4,5 điểm (0,46%) xuống còn 983,08 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 181 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 4.050 tỷ đồng. Toàn sàn có 124 mã tăng và 182 mã giảm.
HNX - Index đóng cửa ở mức 103,73 điểm, giảm 1,44 điểm (1,36%). Khối lượng giao dịch đạt trên 27 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 444 tỷ đồng. Toàn sàn có 47 mã tăng và 73 mã giảm.