Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đều giảm khi mở cửa tuần giao dịch mới do lo ngại về nền kinh tế nước này cũng như một loạt quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương lớn. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,09% (tương đương 207,65 điểm) xuống 18.867,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,32% (10,28 điểm) xuống 3.157,47 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc mở cửa thấp hơn vào sáng thứ Hai, do nhóm cổ phiếu công nghệ có giá trị vốn hóa cao mất điểm trước khi các công ty lớn công bố báo cáo thu nhập. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,44% (11,49 điểm) xuống 2.598,27 điểm chỉ trong 15 phút giao dịch đầu tiên.
Giới đầu tư đang chờ đợi kết quả hàng quý của các công ty lớn trong tuần này, bao gồm cả “gã khổng lồ” sản xuất chip Samsung Electronics và SK hynix.
Chứng khoán Nhật Bản là điểm sáng hiếm hoi khi mở cửa cao hơn vào thứ Hai, khi chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,85% (274,06 điểm) lên 32.578,31 điểm vào đầu phiên giao dịch.
Ông Stephen Innes, quản lý cấp cao của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management nhận định cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào hai ngày 25 - 26/7 sẽ là tiêu điểm chú ý cho tuần này. Theo ông Innes, Fed tại cuộc họp tháng Bảy nhiều khả năng sẽ thực hiện lần tăng lãi suất thứ 11, cũng là lần cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất trong thời gian qua.
Sau Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào ngày 27/7. Tiếp theo đó là cuộc họp kéo dài hai ngày 27 - 28/7 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Nhiều nhà quan sát thị trường tin rằng BoJ vẫn sẽ tuân thủ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình, trong khi chỉ đưa ra những thay đổi hạn chế đối với dự báo lạm phát của họ.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 10 giờ 30 phút phiên sáng ngày 24/7, chỉ số VN-Index tăng 2,91 điểm (0,25%) lên 1.188,81 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,09 điểm (0,46%) lên 236,07 điểm.