Tâm lý của các nhà đầu tư cũng lạc quan hơn nhờ dữ liệu cho thấy lĩnh vực sản xuất quan trọng của Trung Quốc đang được cải thiện giữa lúc một số biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan ở một số thành phố lớn, trong đó có Thượng Hải, đang dần được nới lỏng.
Số liệu cho thấy Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 5/2022 đã giảm chậm hơn dự kiến, chạm mức 49,6, nhưng cải thiện so với mức 47,4 trong tháng 4/2022, mức tồi tệ nhất ghi nhận được kể từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn dưới mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và giảm sút, đồng thời cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn gặp khó khăn.
Do phố Wall đóng cửa nghỉ lễ, có rất ít chất xúc tác giúp kéo dài đà tăng trong những ngày gần đây, khiến lạm phát và chi phí đi vay trở thành yếu tố điều hướng thị trường.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,1% lên 21.353,80 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 1,2% lên 3.186,43 điểm.
Chứng khoán Seoul, Singapore, Đài Bắc, Jakarta, Bangkok và Wellington cũng tăng.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 27.279,80 điểm, cùng với chứng khoán Sydney, Mumbai và Manila.
Giá dầu Brent đã lần đầu tiên vượt mốc 122 USD/thùng trong hai tháng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 117 USD/thùng sau khi Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, như một phần của phản ứng với động thái của Nga ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 0,1% xuống 1.292, điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,96% lên 315,76 điểm.