Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,3%, hay 7,89 điểm, xuống 32.707,69 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,47%, hay 493,74 điểm, xuống 19.517, điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,89%, hay 29,26 điểm, xuống 3.261,69 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,9%, hay 50,6 điểm, xuống 2.616,47 điểm.
Các nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro sau khi hãng xếp hạng Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ một bậc từ AAA xuống AA+, do nợ công gia tăng và "sự xói mòn về quản trị", với những bất đồng trong vấn đề trần nợ.
Quyết định hạ bậc của Fitch được đưa ra sau khi Quốc hội Mỹ hồi tháng Sáu đạt thỏa thuận dừng áp dụng trần nợ công ở mức 31.400 tỷ USD cho đến tháng 1/2025 sau nhiều tháng bế tắc.
Hồi năm 2011, sự bế tắc liên quan đến trần nợ công của Mỹ cũng đã khiến hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ mức xếp hạng của Mỹ từ AAA xuống còn AA+.
Quyết định của Fed sẽ khiến chi phí đi vay của Chính phủ Mỹ cao hơn. Tuy nhiên, tâm lý tránh rủi ro khiến các nhà giao dịch chuyển hướng sang các tài sản an toàn như trái phiếu.
Trong phiên trước, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi số liệu cho thấy hoạt động sản xuất tại nước này trong tháng 7/2023 giảm tháng thứ 9 liên tiếp, cho thấy nền kinh tế yếu đi.
Hoạt động chốt lời cũng diễn ra sau đợt phục hồi gần đây nhờ sự lạc quan rằng lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần trước sẽ là lần cuối cùng nhờ sức ép lạm phát giảm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc nhiều khả năng Fed đã đến hoặc gần đến lúc dừng chu kỳ tăng lãi suất và nền kinh tế Mỹ vẫn đứng vững giúp nhà đầu tư giữ được tâm lý lạc quan.
Tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index tăng 2,87 điểm, hay 0,24%, lên 1.220,43 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 1,96 điểm, hay 0,82%, lên 231,31 điểm.