Các sàn giao dịch chứng khoán ngập tràn sắc đỏ trong tuần này, do lo ngại ngày càng tăng về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu và các biện pháp kích thích quy mô lớn sẽ chứng kiến sự bùng nổ chi tiêu vốn bị dồn nén trong thời gian dài. Sự dồn nén đó sẽ khiến nguồn cung trở nên căng thẳng và đẩy chi phí lên.
Những lo ngại này càng được củng cố bởi số liệu được công bố ngày 12/5 cho hay lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức 4,2% trong tháng 4, cao hơn nhiều so với ước tính và là mức cao nhất kể từ năm 2008, ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu xảy ra. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi đà tăng giá của các mặt hàng như đồng, sắt và gỗ, hiện ở các mức cao kỷ lục hoặc mức cao nhất trong nhiều năm.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,83%, xuống 28.812,63 điểm. Triển vọng kém lạc quan của các công ty công nghệ và số ca mắc COVID-19 trong nước đã tác động xấu tới tâm lý giới đầu tư.
Tại thị trường Seou, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm điểm phiên thứ ba liên tiếp, do lo ngại về lạm phát hậu đại dịch sớm hơn dự kiến đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Kết thúc phiên này, chỉ số Kospi giảm 39,55 điểm (1,25%), xuống 3.122,11 điểm.
Các thị trường Wellington của New Zealand và Đài Bắc của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đều giảm hơn 1%, trong khi thị trường Sydney của Australia và Bangkok của Thái Lan cũng chứng kiến các mức giảm lớn.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chúng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đi xuống, trước những đồn đoán rằng Fed sẽ phải nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng hạ 512,37 điểm (1,81%), xuống 27.718,67 điểm. Trong khi chỉ số Shanghai Composite lùi 33,2 điểm (0,96%), xuống 3.429,53 điểm.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch chiều 13/5, chỉ số VN-Index giảm 7,1 điểm (0,56%) xuống 1.261,99 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 4,7 điểm (1,66%) lên 287,03 điểm.