Chứng khoán châu Á giảm điểm do lo ngại suy thoái kinh tế

Khép lại phiên chiều ngày 7/12, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm do nhà đầu tư lo ngại chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Chú thích ảnh
Bảng chỉ số chứng khoán tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: Yonhap/TTXVN

Đà giảm điểm của chứng khoán châu Á tiếp nối phiên giao dịch ảm đạm của chứng khoán Mỹ sau khi các lãnh đạo ngân hàng đầu tư hàng đầu trên Phố Wall cảnh báo về giai đoạn khó khăn trong năm 2023. Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, cho rằng suy thoái kinh tế có thể nhẹ nhàng, nhưng cũng có thể nghiêm trọng. Giám đốc điều hành David Solomon của Goldman Sachs cho biết, việc làm và tiền lương sẽ bị ảnh hưởng, trong khi quan chức Morgan Stanley và ngân hàng Bank of America cũng lo ngại về triển vọng kinh tế sắp tới.

Các bình luận này đã làm gia tăng tâm lý bi quan lan khắp các sàn giao dịch chứng khoán vào đầu tuần, sau khi số liệu việc làm và lĩnh vực dịch vụ khổng lồ của Mỹ vượt kỳ vọng của thị trường gây ra lo ngại rằng Fed sẽ tăng lãi suất cao hơn dự kiến. Chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management cho biết, mọi hy vọng rằng Fed sẽ trở nên ôn hòa hơn trong những tháng tới đã bị tiêu tan khi ngành dịch vụ của Mỹ vẫn ghi nhận lạm phát cao. Ông Innes nói thêm, lãi suất có thể tăng lên trên 5% trước khi Fed bắt đầu ngừng tăng lãi suất, trong khi một số nhà quan sát cho rằng lãi suất sẽ không giảm cho đến năm 2024.

Kết thúc phiên này, các thị trường chứng khoán chủ chốt của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Sydney của Australia, Seoul của Hàn Quốc, Singapore, Mumbai của Ấn Độ, Bangkok của Thái Lan, Manila của Philippines, Jakarta của Indonesia đều giảm.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,7% xuống 27.6,4 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3,2% xuống 18.814,82 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc cũng giảm 0,4% và đóng cửa phiên ở mức 3.199,62 điểm.

Chuyên gia Lauren Goodwin của công ty tư vấn đầu tư New York Life Investments nhận xét, hiện vẫn chưa nhìn thấy “đáy” của cổ phiếu. Mặc dù giai đoạn biến động của thị trường chứng khoán có thể sẽ kết thúc trong vài tháng tới, nhưng báo cáo kinh doanh của các công ty vẫn chưa phản ánh môi trường suy thoái.

Viễn cảnh ảm đạm đã làm lu mờ những tín hiệu tích cực liên quan đến khả năng Chính phủ Trung Quốc nới lỏng một số quy định phòng dịch COVID-19. Các nhà giao dịch kỳ vọng nền kinh tế số hai thế giới sẽ tái khởi động sau nhiều tháng đóng cửa và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt khác.

Tuy vậy, chuyên gia Zhiwei Zhang từ công ty quản lý tài sản Pinpoint, cảnh báo rằng bất cứ biện pháp mở cửa nào cũng sẽ mất thời gian. Ông nhận định, chính sách "Zero COVID" đã được nới lỏng, nhưng hoạt động đi lại vẫn chưa phục hồi nhiều. Xuất khẩu vẫn yếu trong vài tháng tới khi Trung Quốc trải qua quá trình mở cửa trở lại đầy khó khăn. Khi nhu cầu toàn cầu suy yếu vào năm 2023, Trung Quốc sẽ cần phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu trong nước.

Đóng cửa phiên 7/12, chỉ số VN-Index giảm 7,67 điểm (0,73%) xuống 1.041,02 điểm, chỉ số HNX-Index giảm 2,87 điểm (1,35%) về 209,93 điểm.

Mai Ly/TTXVN (Theo AFP)
Chứng khoán châu Á giao dịch ngược chiều trong phiên 6/12
Chứng khoán châu Á giao dịch ngược chiều trong phiên 6/12

Thị trường chứng khoán châu Á giao dịch ngược chiều nhau phiên 6/12 và đồng USD tăng do lo ngại mới rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thúc đẩy tăng lãi suất cao hơn dự đoán, làm lu mờ sự lạc quan ngày càng tăng đối với việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN