Chốt phiên 1/3, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,26%, hay 70,97 điểm, lên 27.516,53 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 4,21%, hay 833,77 điểm, lên 20.619,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,9%, hay 32,74 điểm, lên 3.312,35 điểm.
Hoạt động chế tạo vượt dự báo, đạt mức cao nhất kể từ năm 2012, củng cố quan điểm cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi mạnh sau khi tăng trưởng chậm vào năm ngoái, khi các doanh nghiệp khởi nghiệp và người dân đi du lịch trở lại.
Số liệu mới cũng tạo lực đẩy mà thị trường đang rất cần sau một tháng biến động, "thổi bay" đa phần mức tăng trong tháng 1, khi các nhà giao dịch nhận định các ngân hàng trung ương cần tăng lãi suất trong thời gian dài hơn để kiểm soát lạm phát.
Chỉ số của lĩnh vực phi chế tạo tại Trung Quốc, bao gồm dịch vụ và xây dựng, cũng tạo thêm tâm lý lạc quan.
Sự chú ý đang được hướng đến Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, với việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các kế hoạch để đạt được mục tiêu, trong đó có thể cần các biện pháp kích thích.
Theo nhà phân tích Iris Pang tại ngân hàng ING, Chính phủ Trung Quốc cần đặt mục tiêu tăng trưởng trong khoảng 5,5-6%. Trung Quốc sẽ không dễ đạt mục tiêu dù nền kinh tế đang từng bước phục hồi. Thách thức đến từ việc thị trường bên ngoài yếu, ảnh hưởng đến xuất khẩu và hoạt động chế tạo liên quan đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, khả năng lãi suất tiếp tục tăng đang gây sức ép lên thị trường và hạn chế đà tăng.
Số liệu việc làm mạnh và số liệu lạm phát gây thất vọng trong tháng trước cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cần tiếp tục nỗ lực để kiểm soát lạm phát.
Hiện các nhà đầu tư dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất là ba lần, lên khoảng 5,4%, từ mức 4,5-4,75% hiện nay, vào năm 2024.
Dự báo trên gây lo ngại về triển vọng của nền kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 1/3, VN-Index tăng 18,57 điểm lên 1.040,55 điểm. HNX- Index tăng 4,45 điểm lên 206,83 điểm.