Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên giảm 1,22%, hay 340,63 điểm, xuống 27.472,63 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,44%, hay 35,98 điểm, xuống 2.459,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,07 điểm, lên 3.312,63 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,28%, hay 56,61 điểm, lên 20.331,2 điểm.
Các thị trường chứng khoán Sydney, Singapore, Taipei, Jakarta và Manila đều đi xuống.
Sau những tuần tăng nhờ hy vọng Fed sẽ sớm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ, số liệu được công bố tuần này đưa đến nhận định việc tăng lãi suất kéo dài một năm qua có thể đi quá xa.
Báo cáo công bố ngày 5/4 của Viện Quản lý Nguồn cung cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng trước tăng thấp hơn dự kiến, trong khi một báo cáo khác cho thấy các công ty tư nhân giảm tốc độ tuyển dụng nhân sự.
Trước đó, báo cáo cho thấy nhu cầu tuyển dụng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021.
Trong khi các nhà giao dịch từ lâu hy vọng việc thị trường lao động thắt chặt và nền kinh tế giảm tốc sẽ cho phép Fed dừng tăng lãi suất, lo ngại về một cuộc suy thoái sâu đang gia tăng.
Gây thêm sức ép lên thị trường là việc vẫn có những yếu tố không chắc chắc về lĩnh vực ngân hàng sau những biến động trong tháng trước, do hai ngân hàng khu vực của Mỹ phá sản và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ được mua lại.
Nguyên nhân gây ra biến động của lĩnh vực ngân hàng được cho là do việc tăng mạnh lãi suất trong năm qua.
Sự chú ý đang được hướng đến báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố ngày 7/4, một cơ sở để đánh giá về tình hình nền kinh tế và có thể tác động đến quyết định lãi suất của Fed.
Theo nhà phân tích của CMC Markets, Michael Hewson, một báo cáo việc làm yếu cùng với chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại có thể cho phép Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 9,95 điểm (0,92%) xuống 1.070,91 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,15 điểm (0,54%) xuống 211,43 điểm.