Kết thúc phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,4% lên 28.287,42 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,5% lên 3.312,56 điểm. Nhưng chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,4% xuống 20.322,66 điểm.
Thị trường chứng khoán Singapore, Seoul, Wellington và Sydney cũng tăng điểm, trong khi các thị trường Manila, Bangkok và Jakarta đi xuống.
Thông báo gây sốc vào cuối tuần của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng hơn một triệu thùng mỗi ngày đã khiến các nhà đầu tư lo ngại lạm phát sẽ tăng vọt trở lại khi giá dầu tăng hơn 6%.
Các nhà phân tích cho biết các số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ hàng đầu thế giới đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và có thể tạo cơ hội cho Fed nới lỏng chu kỳ tăng lãi suất.
Thị trường cũng đang chú ý đến việc Mỹ sẽ công bố số liệu việc làm vào thứ Sáu (7/4) để nắm bắt được thông tin tổng quan mới nhất về nền kinh tế này và tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Mặc dù các thị trường chứng khoán đã có một vài tuần giao dịch tích cực, nhưng chuyên gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase cảnh báo rằng thị trường sẽ suy yếu trong thời gian còn lại của năm do những lo ngại kéo dài về lĩnh vực ngân hàng, cú sốc dầu mỏ và tăng trưởng chậm lại.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 4/4, VN-Index giảm 0,83 điểm xuống 1.078,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 803,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 261 mã tăng giá, 139 mã giảm giá và 46 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,25 điểm lên 210,73 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 95,1 triệu đơn vị, tương ứng 1.332,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 96 mã tăng giá, 74 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.