Giới đầu tư hiện đang chờ đợi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách mới nhất với hy vọng nhận thêm quan điểm của các quan chức Fed về mức độ và thời gian nâng lãi suất.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa ở mức thấp nhất trong một tháng, khi dữ liệu kinh tế vững từ Mỹ và châu Âu làm dấy lên lo ngại rằng việc tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số Nikkei Stock Average 225 giảm 3,78 điểm, tương đương 1,34%, xuống mức 27.104,32 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 23/1. Nhóm cổ phiếu dẫn đầu đà giảm giá này gồm điện, khí đốt, dệt may và thiết bị điện.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm có thời điểm đạt 0,505% vào ngày 22/2, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp mức lợi suất này vượt quá giới hạn trên 0,5% do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đặt ra.
Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi đóng cửa giảm đáng kể do lo ngại về lãi suất cho vay cao hơn trước khi công bố biên bản cuộc họp mới nhất của Fed. Chốt phiên này, chỉ số Kospi giảm 41,28 điểm, tương đương 1,%, đóng cửa ở mức 2.417, điểm.
Thị trường chứng khoán Jakarta của Indonesia và Manila của Philippines giảm hơn 1% trong phiên này, trong khi các thị trường khác như Sydney (Australia), Singapore, Wellington (New Zealand), Mumbai (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) cũng đồng loạt đỏ sàn.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) cũng đua nhau đi xuống, giữa bối cảnh thị trường châu Á theo dõi đợt bán tháo trên Phố Wall do lo ngại về việc tăng lãi suất của Mỹ và lạm phát cao. Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt mất 15, điểm (0,47%) và 105,65 điểm (0,51%), xuống 3.291,15 điểm và 20.423,84 điểm.
Cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Phố Wall đều sụt giảm ít nhất 2% vào phiên 22/2, khi chỉ số nhà quản lý mua hàng cao hơn dự báo cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng tồi tệ bất chấp gần một năm tăng lãi suất và lạm phát gia tăng. Kết quả này được công bố sau khi số lượng việc làm tạo mới tại Mỹ tăng đột biến trong tháng 1/2023 và lạm phát giảm chậm hơn dự kiến, gây áp lực buộc Fed phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, điều mà nhiều người lo ngại có thể gây ra suy thoái kinh tế.
Biên bản cuộc họp của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 22/2, là một tiêu điểm quan trọng đối với các nhà giao dịch. Biên bản này được đưa ra sau khi một số nhà hoạch định chính sách Fed đã cảnh báo về khả năng ngân hàng này sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ khi họ cố gắng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%, từ mức hiện tại là hơn 6%.
Tại thị trường Việt Nam, "sắc đỏ" bao phủ thị trường chứng khoán, các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, dầu khí tác động rất tiêu cực lên chỉ số. Chốt phiên giao dịch ngày 22/2, VN-Index giảm 27,95 điểm xuống 1.054,28 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 814 triệu đơn vị, tương ứng hơn 12.736,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 60 mã tăng giá, 364 mã giảm giá và 47 mã đứng giá. HNX-Index giảm 4,12 điểm xuống 209,96 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 112,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.853,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 61 mã tăng giá, 117 mã giảm giá và 49 mã đứng giá. UPCOM-Index giảm 0,73 điểm xuống 77,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 58,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 816 tỷ đồng. Toàn sàn có 90 mã tăng giá, 171 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.