Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,31%, hay 280,09 điểm, lên 21.4,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,07%, hay 2,26 điểm, lên 3.214,5 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,73%, hay 205,95 điểm, xuống 27.943,89 điểm. Chỉ số Kospi của Seoul (Hàn Quốc) giảm 0,02%, hay 0,42 điểm, xuống 2.729,56 điểm.
Khi tình hình xung đột tại Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ hai, các nhà đầu tư đang hy vọng nước này và Nga có thể đạt tiến triển trong quá trình đàm phán để chấm dứt xung đột tại cuộc gặp ở Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến trong ngày 28/3 hoặc ngày 29/3.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng sẽ nhanh chóng đạt thỏa thuận, dù các vòng đàm phán trước chưa đạt kết quả.
Trong khi hy vọng dừng xung đột tại Ukraine đã hỗ trợ cho các thị trường, những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục làm giảm bớt sự lạc quan.
Chính quyền thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Quốc, đã thông báo phong tỏa từng phần để kiểm soát sự lây lan của biến thể Omicron, với khu vực phía Đông phong tỏa từ ngày 28/3 đến ngày 1/4, và biện pháp tương tự được thực hiện tại khu vực phía Tây kể từ ngày 1/4.
Diễn biến trên đã tác động đến giá dầu, khi các nhà giao dịch lo ngại về nhu cầu của nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới. Cả hai loại dầu đều này đã giảm mạnh trong phiên này, dù vẫn ở mức cao do vẫn có những lo ngại về xung đột tại Đông Âu.
Theo nhà phân tích Jeffrey Halley tại công ty dịch vụ môi giới tài chính OANDA (Mỹ), các nhà đầu tư châu Á có tâm lý chờ diễn biến tại các nơi khác trong tuần này. Tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc xấu đi và các hạn chế trên diện rộng sẽ là trở ngại lớn với tất cả các thị trường chứng khoán châu Á.
Trong khi các thị trường chứng khoán vẫn giữ được nền tảng trước những yếu tố không chắc chắn gia tăng, những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy mạnh việc tăng lãi suất tiếp tục gây ra những sức ép.
Khả năng gia tăng về việc Fed sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát tiếp tục làm giảm sút lòng tin, với lợi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ, chỉ số về lãi suất trong tương lai, tăng mạnh.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3, chỉ số VN-Index giảm 15,32 điểm (1,02%), xuống 1.483,18 điểm. Còn chỉ số HNX-Index giảm 6,86 điểm (1,49%) xuống 454,89 điểm.