Chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm điểm

Ngày 14/3, thị trường chứng khoán châu Âu tràn ngập "sắc đỏ", khi các nhà đầu tư lo ngại rằng vụ sụp đổ hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank tại Mỹ có thể gây "hiệu ứng domino" trên thị trường toàn cầu.

Chú thích ảnh
Bảng điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán CAC 40 của Pháp tại trụ sở sàn giao dịch chứng khoán Euronext ở La Defence, gần Paris. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - đã tuyên bố phá sản hôm 10/3. Hai ngày sau đó, cơ quan quản lý ngân hàng bang New York cũng thông báo đóng cửa Signature Bank. Các vụ sụp đổ ngân hàng liên tiếp này đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu trong những ngày qua, vốn đã chịu áp lực từ biện pháp tăng lãi suất mà nhiều ngân hàng trung ương áp dụng nhằm kiềm chế lạm phát. 

Tại London (Anh), chỉ số FTSE 100 đã giảm 0,6% so với mức ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 13/3, xuống còn 7.503,85 điểm. Cổ phiếu của HSBC trượt dốc mạnh nhất với mức giảm 2,5%, sau khi ngân hàng này thông báo việc mua lại chi nhánh SVB tại Anh. Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) giảm 0,2% còn 7.001,31 điểm. Trong khi đó, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tăng gần 0,1% lên 14.969,48 điểm, nhưng cổ phiếu của Commerzbank - ngân hàng thương mại lớn thứ 2 nước này - giảm 0,8%.

Ở châu Á, chỉ số chứng khoán trên thị trường Nhật Bản đã giảm điểm khi các nhà đầu tư đồng loạt bán tháo cổ phiếu do lo ngại về hệ thống tài chính Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 ghi nhận mức giảm 610,92 điểm, tương đương 2,9% và kết thúc phiên giao dịch với 27.222,04 điểm. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022. Trong khi đó, chỉ số Topix cũng giảm 53,45 điểm (2,67%) xuống còn 1.947,54 điểm.

Cổ phiếu thuộc tất cả các danh mục tại Nhật Bản, trừ ngành vận tải đường bộ, đều giảm, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm và khai thác mỏ. Trong lĩnh vực ngân hàng, cổ phiếu của Tập đoàn tài chính Mizuho giảm 7,1%, xuống còn 1.867 yen/cổ phiếu (13,9 USD/cổ phiếu), trong khi giá cổ phiếu của Mitsubishi UFJ giảm 8,6% xuống 823 yen/cổ phiếu (6,1 USD/cổ phiếu). Giá cổ phiếu của Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui cũng giảm 7,6% còn 5.240 yen (39 USD).

Việc các nhà đầu tư chuyển sang các loại tài sản an toàn hơn đã đẩy giá vàng của công ty Tanaka Kikinzoku Kogyo K.K. lên 9.050 yen/gram ( USD/gram), cũng là mức cao kỷ lục trong ngày thứ 2 liên tiếp.

Theo các nhà phân tích, các nhà đầu tư nước ngoài mua lượng lớn cổ phiếu Nhật Bản vào tuần trước đang nhanh chóng bán tháo trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng bất ổn trong hệ thống tài chính Mỹ có thể lan sang châu Á. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm có thời điểm chạm mức thấp nhất trong 4 tháng là 0,24% trong ngày 14/3, khi các nhà đầu tư chuyển sang loại tài sản ít rủi ro hơn.

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân SVB sụp đổ phần lớn do Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh nhằm kiềm chế lạm phát, vốn đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán. Một số chuyên gia và ngân hàng dự báo FED có thể giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, theo đó chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong phiên họp tiếp theo, thay vì 50 điểm như các dự báo trước đó.

Hoàng Châu (TTXVN)
Chuyên gia nhận định sự kiện SVB ít tác động tới chứng khoán Việt Nam
Chuyên gia nhận định sự kiện SVB ít tác động tới chứng khoán Việt Nam

Giới chuyên gia vừa đưa ra những nhận định về tác động của sự kiện SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ tuyên bố phá sản đến thị trường tài chính thế giới. Theo đó, giới chuyên gia cho rằng, sự kiện SVB lên tài chính khu vực châu Á; trong đó có Việt Nam là không lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN