Cụ thể, chỉ số chứng khoán trên toàn châu Âu STOXX 600 đã tăng 0,3% lên 489,61 điểm, thấp hơn so với mức kỷ lục 490,58 điểm vào giữa tháng 11 vừa qua. Cổ phiếu ngành bán lẻ tăng mạnh nhất, trong khi cổ phiếu trong lĩnh vực y tế và công nghiệp lần lượt tăng ở mức 0,3% và 0,4%.
Tại Pháp, chỉ số chứng khoán CAC 40 đã giảm điểm so với mức cao kỷ lục vào ngày 28/12, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới tại nước này trong ngày 28/12 đã lên mức cao nhất theo ngày là 179.807 ca.
Tại Anh, chỉ số FTSE 100 đã tăng 1,1% do giá dầu đi lên và khả năng các lệnh phong tỏa kéo dài đến cuối năm. Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, chỉ số IBEX đã tăng 1% chỉ một ngày sau khi Quốc hội nước này phê duyệt ngân sách năm 2022 và một kế hoạch chi tiêu lớn. Đây có thể là kế hoạch chi tiêu lớn nhất trong lịch sử nước này.
Chuyên gia phân tích thị trường Jeffrey Halley của OANDA nhận định các biện pháp kiểm soát dịch tại châu Âu sẽ tác động đến thị trường. Hiện tại, các thị trường vẫn đang phản ứng tích cực trước thông tin có nhiều ca mắc bệnh nhẹ sau khi nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, dù biến thể thể này có khả năng lây lan nhanh hơn.
Mối lo ngại về các động thái siết chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương đã khiến chứng khoán thế giới lao dốc vài lần trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ số STOXX 600 vẫn duy trì được đà tăng trong năm 2021 nhờ vào các biện pháp kích thích và chính sách nới lỏng tiền tệ, trong đó cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ và tài chính tăng mạnh nhất.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đang đưa ra những dự báo trái chiều về thị trường năm 2022 trong bối cảnh có nhiều lo ngại lạm phát phi mã, nguy cơ dịch bệnh và khủng hoảng năng lượng kéo dài. Nhiều người tin rằng áp lực lạm phát sẽ khiến các ngân hàng trung ương ngừng các chính sách kích thích sớm hơn dự kiến.