Ngay sau khi thị trường mở cửa, chỉ số FTSE 100 ở London (Anh) đã giảm 3,9% xuống 5.087,15 điểm. Tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số DAX 30 của thị trường chứng khoán Frankfurt (Đức) đã giảm 4% xuống 8.580,02 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) đã giảm 3,2% xuống 3.864,76 điểm.
Trước đó, nhiều quốc gia đã công bố các biện pháp kích thích nhằm vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã công bố gói cho vay trị giá 330 tỷ bảng (400 tỷ USD), trong khi Pháp và Tây Ban Nha thông báo các gói viện trợ trị giá hàng chục tỷ euro.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết giới chức nước này vẫn đang lên kế hoạch cho gói ngân sách trị giá hơn 1.000 tỷ USD, khiến đây trở thành kế hoạch khẩn cấp liên bang lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ, vượt qua cả khoản hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chuyên gia phân tích Ipek Ozkardeskaya của Ngân hàng Swissquote nhận định phản ứng của các thị trường cho thấy việc triển khai các biện pháp tiền tệ và tài chính quy mô lớn là chưa đủ để ngăn các nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Tại khu vực châu Á, chốt phiên giao dịch ngày 18/3, chỉ số Tổng hợp Thượng Hải của Trung Quốc đã giảm 1,83% xuống còn 2.728,76 điểm, trong khi chỉ số CSI300 giảm 1,98%. Đặc biệt, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm 4,2% xuống còn 22.291,82 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017, trong khi chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc giảm 4,5% xuống 8.800,62 điểm.
Cùng chung xu hướng này, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (MSCI), không tính Nhật Bản đã giảm 3,95%, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 1,%.