Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng mạnh

Chứng khoán Mỹ đã đảo chiều tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/3 khi nhà đầu tư cân nhắc triển vọng kích thích tài chính để kiềm chế đà suy giảm tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng từ sự bùng phát dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 5/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 1.167,14 điểm (tương đương 4,9%) lên 25.018 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,9% lên 2.882,23 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 26/12/2018. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 4,9% lên 8.347,40 điểm. Các cổ phiếu của Facebook, Amazon, Apple, Neflix và Alphabet đều tăng hơn 4,8%.

Trước đó, thị trường chứng khoán Phố Wall đã chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm hơn 7% chỉ vài phút sau khi mở cửa ngày 9/3, trong đó chỉ số Dow Jones giảm hơn 2.000 điểm.  

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/3 cho biết ông sẽ đề xuất với Quốc hội biện pháp giảm thuế thu nhập và các biện pháp "rất quan trọng" khác nhằm bù đắp tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với kinh tế. Tại một cuộc họp ở Nhà Trắng với giới chức y tế, ông Trump cũng cho biết chính phủ Mỹ dự định sẽ giúp các hãng hàng không và du lịch tàu biển.

Cùng ngày, giá dầu thế giới đã hồi phục phần nào sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó. Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2020 tại thị trường New York (Mỹ) tăng 3,23 USD (tương đương 10,%) lên 34,36 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent tại thị trường London tăng 2,86 USD (8,32%), chốt phiên ở mức 37,22 USD/thùng.

Theo nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank Research, giá dầu đã tăng trở lại sau khi giảm hơn 30% kể từ chiều 6/3 với các tác động hỗ trợ đến từ sự hồi phục của các thị trường chứng khoán. Tuy vậy, ông Fritsch cho rằng giá dầu chưa thể sớm lấy lại đà phục hồi liên tục khi nhu cầu dầu vẫn chịu sức ép do dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng.

Giá dầu đã giảm khoảng 24% trong ngày 9/3, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 1991 trước những quan ngại về khả năng xảy ra “cuộc chiến giá dầu”. Trước đó, Saudi Arabia - quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - cuối tuần qua thông báo giảm mạnh giá dầu xuất khẩu giao tháng 4/2020 của nước này và sẵn sàng tăng sản lượng lên hơn 10 triệu thùng/ngày.

Động thái trên diễn ra sau khi OPEC và các đối tác liên minh do Nga dẫn đầu không đạt được nhất trí về việc cắt giảm thêm sản lượng “vàng đen” tại cuộc họp cuối tuần qua.

Phương Hoa (TTXVN)
Giá dầu châu Á tăng hơn 8%
Giá dầu châu Á tăng hơn 8%

Giá dầu châu Á phục hồi với mức tăng hơn 8% trong phiên 10/3 sau khi trải qua phiên giảm điểm mạnh nhất trong gần 30 năm qua trong phiên trước, giữa bối cảnh các nhà đầu tư kỳ vọng về khả năng chính phủ các nước sẽ đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế và số ca nhiễm mới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung Quốc giảm đáng kể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN