Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 128,85 điểm (0,39%), xuống 32.732,95 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 hạ 29,08 điểm (0,75%), xuống 3.871,98 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 114,31 điểm (1,03%), xuống 10.988,15 điểm.
Dù vậy, cả ba chỉ số vẫn ghi nhận một tháng tăng điểm. Tính chung cả tháng 10 vừa qua, Dow Jones tăng 13,95%, S&P 500 tăng 7,99%, còn Nasdaq Composite cộng 3,9%.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 2/11 tới (giờ địa phương), khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày. Song các nhà đầu tư đang tìm kiếm bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Fed có thể xem xét giảm tốc độ tăng lãi suất trong tương lai.
Hy vọng Fed có thể rút lui khỏi chính sách tăng lãi suất tích cực đã nâng đỡ các chỉ số chứng khoán đi lên trong những tuần gần đây, với chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng gần 9% trong hai tuần qua. Dow Jones ghi nhận mức tăng theo tỷ lệ phần trăm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 1/1976 và mức tăng tháng 10 mạnh nhất kể từ ít nhất năm 1900.
Nhận định từ các quan chức Fed sau quyết sách về lãi suất cũng như dữ liệu của thị trường lao động vào cuối tuần này sẽ giúp hình thành dự báo của thị trường về các đợt tăng lãi suất trong tương lai, bắt đầu từ cuộc họp tháng 12 tới.
Giá cổ phiếu của Apple Inc đã mất 1,54% sau khi một báo cáo của Reuters cho biết sản lượng iPhone của họ có thể giảm tới 30% trong tháng tới.
Giá cổ phiếu của Amazon.com và Alphabet cũng lần lượt giảm 0,94% và 1,85%.
Gần như tất cả 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều giảm, trong đó công nghệ và dịch vụ truyền thông có diễn biến kém nhất với mức giảm hơn 1%. Năng lượng là lĩnh vực đi lên duy nhất trong phiên này, khi các công ty năng lượng như Chevron và Exxon Mobil đã đánh bại ước tính lợi nhuận trong quý này một cách dễ dàng, hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao, trái ngược với các công ty công nghệ Big Tech đã gây thất vọng lớn cho các nhà đầu tư.
Phiên 31/10, tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 0,06% lên 1.027,94 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,55% xuống 210,43 điểm.