Chứng khoán Mỹ giảm tuần thứ ba liên tiếp

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp và chỉ số tổng hợp S&P 500 đóng cửa phiên 18/9 dưới mức trung bình của 50 ngày vừa qua lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.

Diễn biến trên xảy ra trước triển vọng không chắc chắn về một gói kích thích tài chính mới từ Mỹ, quan ngại về căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và những âu lo về tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp.

Chú thích ảnh
Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên 18/9 ở mức 27.657,42 điểm, giảm 244,56 điểm (tương đương 0,9%). Trong khi đó, chỉ số S&P 500 chốt phiên với mức giảm 37,54 điểm (1,1%) xuống còn 3.319,47 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 116,99 điểm (hơn 1%) xuống còn 10.793,28 điểm. Như vậy, tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm gần 0,1%, chỉ số S&P 500 giảm 0,6% và chỉ số Nasdaq giảm 0,6%.

S&P 500 không phải là chỉ số duy nhất giảm xuống dưới mức kỹ thuật trên trong phiên giao dịch 18/9. Chỉ số công nghệ Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã giảm xuống dưới mức trung bình của 50 ngày, lần đầu tiên sau hơn 4 tháng. Ông Kolovos cho rằng các giai đoạn đầu của tình trạng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ tăng cao bất thường do đầu cơ cổ phiếu công nghệ (dot.com) được đánh dấu bằng việc chỉ số Nasdaq giảm xuống dưới mức trung bình của 50 ngày.

John Kolovos, trưởng chiến lược gia tại Macro Risk Advisors, cho rằng đây có thể không phải là một dấu hiệu tốt vì những diễn biến như vậy “khẳng định thêm rằng quá trình điều chỉnh của thị trường đang diễn ra”. Tuy nhiên, theo ông Kolovos, một sự phục hồi ngắn hạn có thể đang diễn ra, vì “các mức hỗ trợ thực tế đang phát huy tác dụng trên chỉ số cũng như trên cổ phiếu”.

Khi đề cập các nguyên tắc cơ bản của thị trường chứng khoán, một số người khác ở Phố Wall cũng tỏ ra quan ngại về bong bóng dot.com. Trong một lưu ý đưa ra ngày 17/9, các nhà chiến lược từ Barclays cho rằng “các thước đo định giá vốn chủ sở hữu hiện đang ở mức bong bóng dot.com hồi năm 2000”.

Các nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi tiến triển trong các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ mà nhiều người coi là rất quan trọng để củng cố sự phục hồi kinh tế trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và duy trì đà tăng của thị trường chứng khoán.

Các nghị sỹ Mỹ đã lên kế hoạch đưa ra một dự luật trong ngày 18/9 mà theo đó Chính phủ Mỹ sẽ cung cấp ngân sách để thực hiện đến giữa tháng 12/2020. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết các ngành hàng không và nhà hàng đều cần sự hỗ trợ tài chính có thể có trong một gói kích thích kinh tế lớn khác.

Các nghị sỹ của Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ trị giá 3.500 tỷ USD vào tháng 5/2020. Tuy vậy, trong các cuộc đàm phán gần đây với các quan chức Nhà Trắng, các nghị sỹ trên cho biết họ sẽ chấp nhận một dự luật cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 19/9 tuyên bố kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ cấm các ứng dụng WeChat và TikTok trong các cửa hàng ứng dụng trực tuyến của Mỹ từ đêm 20/9. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, nếu Mỹ không có động thái hợp lý đối với vấn đề trên, Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.

Trước đó, ngày 18/9, Bộ Thương mại Mỹ thông báo mọi động thái phân phối hoặc duy trì WeChat hoặc TikTok trên các cửa hàng ứng dụng trực tuyến sẽ bị cấm từ ngày 20/9. Ngoài ra, việc lưu trữ hoặc chuyển lưu lượng truy cập Internet liên quan đến WeChat sẽ bị cấm từ ngày 20/9. Lệnh cấm tương tự với ứng dụng TikTok sẽ có hiệu lực muộn hơn, kể từ ngày 12/11. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cáo buộc các ứng dụng này của Trung Quốc "đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ". Do đó, người dân Mỹ sẽ không được tải các ứng dụng WeChat và TikTok của Trung Quốc trên điện thoại di động từ ngày 20/9.

Trong khi đó, về tình hình kinh tế Mỹ, Đại học Michigan cho biết số liệu sơ bộ cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 9/2020 đạt 78,9 điểm, tăng từ mức 74,1 điểm trong tháng 8/2020, cao hơn mức trung bình 75,9 điểm theo dự đoán của các nhà phân tích được hỏi ý kiến trong cuộc thăm dò của MarketWatch. Tuy vậy, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đã tăng mạnh lên 170 tỷ USD trong quý II/2020, từ mức đã điều chỉnh 111,5 tỷ USD trong quý I/2020.

Anh Quân (TTXVN)
Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, đồng yen lên mức cao nhất trong 2 tuần
Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, đồng yen lên mức cao nhất trong 2 tuần

Trong phiên giao dịch ngày 16/9, các chỉ số chứng khoán trên thị trường giao dịch Tokyo (Nhật Bản) hầu hết đều tăng nhẹ so với phiên giao dịch 1 ngày trước đó trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của ủy ban chính sách tiền tệ tại Mỹ và Nhật Bản, cũng như việc thành lập Nội các mới dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng nước này Yoshihide Suga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN