Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 0,97% lên mức 44.296,51 điểm, thiết lập mức cao kỷ lục mới. Chỉ số S&P 500 tăng 20,63 điểm, tương đương 0,35%, lên 5.969,34 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận mức tăng khiêm tốn 0,16%, và đóng cửa ở mức 9.003,65 điểm.
Trong số 11 ngành của chỉ số S&P 500, có tới 8 ngành kết thúc trong sắc xanh. Các nhóm ngành công nghiệp và tiêu dùng không thiết yếu dẫn đầu đà tăng trưởng khi lần lượt tăng 1,36% và 1,18%. Ngược lại, các nhóm dịch vụ viễn thông và tiện ích chứng kiến mức giảm lần lượt 0,69% và 0,66%.
Dữ liệu mới nhất từ chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của S&P Global cho tháng 11 cho thấy chỉ số này tăng nhẹ từ 48,5 của tháng 10 lên 48,8. Mặc dù vẫn dưới ngưỡng 50, cho thấy nền sản xuất vẫn đang đối diện với nguy cơ suy thoái, nhưng sự cải thiện nhỏ này mang lại hy vọng về sự ổn định trong ngành.
Thị trường vẫn đang chờ đợi động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 12. Những dự đoán trái chiều về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất hay giữ nguyên đang khiến giới đầu tư chú ý, đặc biệt là trong bối cảnh những chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn còn là một ẩn số. Theo công cụ FedWatch của CME Group, khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng tới hiện đang chiếm 59,6%.
Ngoài các yếu tố kinh tế trong nước, tình hình địa chính trị cũng tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường. Căng thẳng giữa Ukraine và Nga leo thang đang khiến các nhà đầu tư lo ngại. Đặc biệt, việc bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Trump đang được theo dõi sát sao, vì đây có thể là một yếu tố quan trọng tác động đến triển vọng kinh tế Mỹ.