Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong hai phiên đầu tuần 17-18/10, nhờ báo cáo thu nhập quý III/2022 khả quan của các doanh nghiệp Mỹ thúc đẩy tâm lý mua vào của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan trên thị trường không kéo dài khi chứng khoán Phố Wall giảm vào phiên 19-20/10 do lo ngại lạm phát tăng. "Sách Be" về tình hình kinh tế của Fed cũng cho thấy lo ngại suy thoái gia tăng khi các hộ gia đình vật lộn với chi phí tăng cao.
Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp theo tuần cao và phát biểu của Chủ tịch Fed tại Philadelphia, Patrick Harker, gây lo ngại về việc Fed tăng mạnh lãi suất và đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Ông Harker đã nói Fed đang chủ động hạ nhiệt nền kinh tế và sẽ tiếp tục tăng lãi suất khi lạm phát cao. Phát biểu này đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao kể từ tháng 6/2008 là 4,239%. Fed được cho là sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp tại cuộc họp vào tháng 11 tới và cũng có thể tăng đến 100 điểm cơ bản.
Phiên 21/10, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh. Đáng chú ý, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 750 điểm, tương đương 2,5%, sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin một số quan chức Fed muốn thảo luận về khả năng làm chậm tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp của ngân hàng trung ương trong tháng 11.
Theo nhà phân tích Patrick O'Hare của trang tin tức tài chính Briefing.com, thông tin trên cho thấy Fed có thể sớm chuyển từ lập trường rất tích cực (tăng lãi suất) sang lập trường ít "diều hâu" hơn. Bên cạnh đó, báo cáo thu nhập doanh nghiệp nhìn chung "tốt hơn dự kiến" là động lực thúc đẩy hoạt động giao dịch sôi động trong phiên cuối tuần.
Khép phiên này, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,5% lên 31.082,56 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 2,4% lên 3.752,75 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,3% lên 10.859,72 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 4,9%, S&P 500 tăng 4,7%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tiến thêm 5,2%.
Trong tuần tới, bốn công ty lớn nhất của Mỹ tính theo giá trị vốn hóa thị trường là Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon sẽ công bố báo cáo thu nhập. Bốn công ty này chiếm tổng cộng 20% của chỉ số S&P 500 và hơn 1/3 của chỉ số Nasdaq Composite. Đây được coi là "bài kiểm tra" đối với sự phục hồi của thị trường chứng khoán từ mức thấp ghi nhận gần đây.
Các nhà đầu tư coi những "gã khổng lồ" này là chỉ báo cho cách thức hoạt động của các công ty Mỹ trong một năm mà lạm phát tăng vọt, thúc đẩy Fed nhanh chóng tăng lãi suất quy mô lớn gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế. Yung-Yu Ma, giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty quản lý tài sản BMO Wealth Management, đặt câu hỏi rằng nếu những đại doanh nghiệp này không thể hoạt động tốt, thì "ai có thể làm tốt?"
Lợi nhuận doanh nghiệp ổn định là một điểm sáng trong năm nay, mặc dù nhà đầu tư vẫn nghi ngờ về mức độ bền vững của xu hướng này. Theo công ty phân tích dữ liệu Refinitiv IBES, đối với phần lớn các công ty thuộc S&P 500, lợi nhuận quý III/2022 ước tính tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là con số thấp nhất trong hai năm trở lại đây. Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 đã giảm từ 7,8% xuống 7,2%.
Các báo cáo doanh thu công bố trong tuần tới của bốn công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất Phố Wall có thể cho thấy liệu các công ty có vị trí thống lĩnh có thể đạt được hiệu quả hoạt động vững chắc bất chấp những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế hay không.
Chuck Carlson, giám đốc điều hành tại công ty đầu tư Horizon Investment Services, nhận định rằng: Do tỷ trọng quá lớn của các công ty đó, nếu kết quả kinh doanh không khả quan thì sẽ gây áp lực khiến các chỉ số tiếp tục đi xuống. Microsoft và Alphabet sẽ ra báo cáo vào 25/10, trong khi Amazon và Apple sẽ công bố kết quả kinh doanh vào 27/10.