Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/12, chỉ số VN - Index giảm 4,71 điểm xuống 691,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 278,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 5.671,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 141 mã tăng giá, 62 mã đứng giá và 178 mã giảm giá.
HNX - Index tăng 0,28 điểm lên 103,22 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 39,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 8,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 78 mã tăng giá, 50 mã đứng giá và 70 mã giảm giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 14 mã giảm giá, trong khi có 13 mã tăng giá. Tuy nhiên, các mã vốn hóa lớn trong nhóm này có mức giảm rất mạnh như: VHM giảm tới 3,4%, FPT giảm 1,1%, VJC giảm 1%... đã tạo áp lực giảm điểm rất lớn lên chỉ số.
Ở chiều tăng giá, đáng chú ý trong nhóm này BVH tăng tới 6,9% lên mức giá trần 72.700 đồng/cổ phiếu, DPM và CTD đều tăng 1,5%, GMD tăng 1,3%, VRE tăng 1%, VNM tăng 0,6%.
Tuy vậy, sự giảm giá mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tạo thêm áp lực giảm điểm lên chỉ số. Theo đó, VCB giảm 2,7%, MBB giảm 1,8%, CTG giảm 1,5%, HDB giảm 1,4%, ACB giảm 0,9%...
Ở chiều tăng giá, đáng chú ý SHB tăng tới 6,7%. Đây cũng là mức tăng nhiều nhất so với các mã cổ phiếu ngân hàng ở chiều tăng giá.
Tại nhóm cổ phiếu dầu khí sự tích cực vẫn được duy trì. Cụ thể, PLX tăng 1,4%, PVD tăng 1,3%, PVS tăng 1,1%...
Ngoài ra, điểm tích cực nữa là khối ngoại đã trở lại mua ròng mạnh trên sàn HOSE. Cụ thể, trên sàn này, khối ngoại mua ròng 95,74 tỷ đồng. MBB là mã được mua ròng mạnh nhất sàn với giá trị hơn 185,3 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 3,49 tỷ đồng. Mã bị bán ròng mạnh là SHB, đạt hơn 3,3 tỷ đồng.
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 5,05 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là VEA (hơn 4,55 tỷ đồng), LPP (hơn 3,66 tỷ đồng).
Trong phiên giao dịch chiều 16/12, thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều giữa bối cảnh các nhà quan sát vẫn đang chờ đợi thông tin chi tiết liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,3% xuống 23.952,35 điểm, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,7% xuống 27.508,09 điểm. Cùng đà giảm, các chỉ số chứng khoán tại Seoul (Hàn Quốc) và Manila (Philippines) giảm lần lượt 0,1% và 1%.
Trong khi đó, tại Thượng Hải (Trung Quốc) chỉ số Shanghai Composite đã tăng 0,6% lên 2.984,39 điểm, sau số liệu khả quan về lĩnh vực bán lẻ và công nghiệp của Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán tại Sydney cũng tăng 1,6%.
Ngày 13/12, Mỹ và Trung Quốc đã hạ nhiệt cuộc chiến thương mại song phương, với việc công bố về thỏa thuận "Giai đoạn 1". Theo đó, Mỹ sẽ hạn chế áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc, song vẫn duy trì mức thuế 25% đã áp trước đây. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ hoãn kế hoạch áp thuế bổ sung từ 5 - 10% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá gần 160 tỷ USD của Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết mua bổ sung lượng hàng hóa tối thiểu trị giá 200 triệu USD từ các nhà sản xuất, nông dân, công ty năng lượng và nhà cung cấp dịch vụ Mỹ trong vòng 2 năm tới. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã đưa ra đánh giá tích cực về thỏa thuận nói trên.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi thông tin cụ thể về thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”. Theo ông Lighthizer, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang thảo luận về thời gian và địa điểm để quan chức hai nước chính thức ký kết thỏa thuận.
Theo chuyên gia Stephen Innes tại AxiTrader, mặc dù sự leo thang căng thẳng thương mại dường như không còn nữa, song con đường tiến đến một thỏa thuận toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn rất xa.