Chốt phiên giao dịch ngày 3/11, VN-Index giảm 3, điểm xuống 1.019,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 443 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 7.871 tỷ đồng. Toàn sàn có 166 mã tăng giá, 274 mã giảm giá và 81 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,92 điểm xuống 210,74 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 42 triệu đơn vị, tương ứng hơn 601,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 50 mã tăng giá, 106 mã giảm giá và 55 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,35 điểm xuống 76,66 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 20,3 triệu đơn vị, tương ứng trên 260,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 139 mã giảm giá và 67 mã đứng giá.
Các nhóm cổ phiếu diễn biến tuy không quá tiêu cực, nhưng thiếu sức bật khi mức tăng giảm chỉ trong biên độ hẹp. Rổ VN30 có 16 mã giảm giá, 12 mã đứng giá và 2 mã đứng giá.
Một trong những lý do chính khiến VN-Index đi xuống là do nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng. Theo đó, sắc đỏ chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu này. Cùng đó, các nhóm chứng khoán, thực phẩm đồ uống cũng nhuộm đỏ. Các nhóm cổ phiếu còn lại chủ yếu diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Điểm tích cực là khối ngoại mua ròng trong phiên hôm nay. Cụ thể, khối ngoại mua ròng hơn 251 tỷ đồng trên HOSE và 4,87 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ bán ròng hơn 440 triệu đồng trên HNX.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến khá tương đồng với chứng khoán thế giới. Theo đó, các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt trượt dốc trong phiên sáng 3/11, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặt nền móng cho một chiến dịch thắt chặt tiền tệ kéo dài, đi ngược với kỳ vọng tạm dừng của thị trường. Động thái này cũng "nhấn chìm" thị trường trái phiếu và khiến đồng USD mạnh lên.
Các nhà đầu tư ban đầu đã dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ báo hiệu về khả năng giảm tốc lộ trình nâng lãi suất sau khi quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lên 3,75% - 4% tại cuộc họp chính sách trong hai ngày 1-2/11.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng đó khi nói rằng hiện còn "quá sớm để nghĩ về việc tạm dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ".
Brian Daingerfield, một nhà phân tích tại NatWest Markets cho biết, Fed có thể thực hiện các đợt tăng lãi suất nhỏ với quy mô nhỏ hơn trong một thời gian dài thay vì tiến hành các đợt tăng lãi suất mạnh tay. Thị trường dự báo tỷ lệ lãi suất của Mỹ có thể tăng lên mức 5% - 5,25% vào tháng 5/2023, đồng thời cho rằng ít có khả năng Fed giảm lãi suất trước tháng 12/2023.
Đối với cuộc họp tháng 12 tới, các nhà giao dịch đang chia rẽ về mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm. Dữ liệu hôm 1/11 cho thấy, tỷ lệ việc làm đang cần tuyển dụng của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 9/2022, qua đó thể hiện đà phục hồi tích cực trên thị trường lao động và việc tăng lãi suất nhanh chóng vẫn chưa tác động mạnh đến nền kinh tế thực của Mỹ. Hiện các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý về báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ, dự kiến công bố ngày 4/11 tới.
Phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,9%. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Tokyo đóng cửa nghỉ lễ.
Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng hạ 1,71% xuống 2.297 điểm, sau khi chứng kiến đà giảm mạnh trên Phố Wall trong đêm trước.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt "nhuộm sắc đỏ", theo chân xu hướng đi xuống tại thị trường Mỹ. Sáng phiên này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt mất 2,21% và 2,74% xuống 15.477,74 điểm và 2.981,20 điểm.
Việc Fed nâng lãi suất đã gây thêm áp lực lên đồng bảng Anh, hiện được giao dịch ở mức 1,1374 USD/bảng Anh , giảm từ mức 1,1564 USD/bảng vào phiên trước.
Đồng USD mạnh lên ngay sau lập trường "diều hâu" của Fed, khiến chỉ số đồng USD tăng từ mức 110,4 lên 112,190 chỉ sau một đêm. Trong khi đó, đồng euro đi ngang ở mức 0,9810 USD/euro. Đồng USD cũng đi lên so với đồng yen của Nhật Bản, lên mức 147,87 yen/USD, từ mức 145, yen/USD.