Giao dịch chứng khoán tại sàn Maybank KIM ENG (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Kết thúc phiên giao dịch sáng 22/3, VN - Index tăng 6,26 điểm, lên mức 1.175,62 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 130,4 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 3.737,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 56 mã đứng giá và 152 mã giảm giá.
HNX - Index giảm 0,77 điểm, xuống 134,19 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 35,5 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 692,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 75 mã giảm giá.
Mặc dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn ra có sự phân hóa khi có 15 mã giảm giá và 12 mã tăng giá, nhưng nhờ vào sự tăng trưởng rất mạnh của những mã cổ phiếu đầu ngành như SAB, BVH, VJC, VNM, GAS, VIC, MSN… nên chỉ số VN30 vẫn có mức tăng trưởng 3,07 điểm, tương ứng với 0,27%.
Cụ thể SAB tăng tới 5.000 đồng/cổ phiếu, VNM tăng 900 đồng/cổ phiếu, VIC và VJC đều tăng 2.000 đồng/cổ phiếu, GAS tăng tới 3.800 đồng/cổ phiếu, BVH tăng 1.300 đồng/cổ phiếu và MSN tăng 1.100 đồng/cổ phiếu.
Ở chiều giảm giá, đáng chú ý, ROS có mức giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 với 6.900 đồng/cổ phiếu. Một số mã giảm khá mạnh có thể kể đến như DHG, MWG, BMP và CTD. Tuy nhiên mức giảm của các cổ phiếu này cũng chỉ từ 1.000- 2.000 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu dầu khí rất hưng phấn với sắc xanh lan tỏa. Hầu hết các mã quan trọng trong nhóm đều tăng trưởng như khá mạnh như: PLX, PVB, PVC, PVD, PVS, TLP.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến không mấy tích cực khi số cổ phiếu giảm giá chiếm gấp đôi số mã tăng giá. Cụ thể ở chiều tăng giá chỉ còn có 5 mã là BAB, BID, EIB, NVB và VPB. Ở chiều giảm giá có các mã như: ACB, CTG, HDB, KLB, LPB, MBB, SHB, STB, VCB và VIB.
Tuy nhiên có thể nhận thấy mức tăng giảm của các mã ngân hàng là không lớn. Chính vì vậy mặc dù có nhiều mã giảm giá mạnh nhưng sức ảnh hưởng của các mã ngân hàng lên chỉ số chung không quá lớn đã giúp cho VN - Index giữ vững đà tăng trưởng.