Chứng khoán thế giới biến động trước thềm các sự kiện quan trọng tại Mỹ

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua ngày 30/1 nhiều biến động trước một loạt sự kiện quan trọng tại nước Mỹ. Đó là Tổng thống Donald Trump dự định đọc Thông điệp Liên bang và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể ra một tuyên bố được cho là dấu hiệu về khả năng tăng lãi suất.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 22/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã có ngày giao dịch thứ hai liên tiếp rớt giá mạnh, đặc biệt chỉ số công nghiệp Dow Jone giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/1, chỉ số Dow Jone giảm tới 1,4% xuống còn 26.067,89 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 1,1% chốt phiên ở mức 2.822,43 điểm và chỉ số Nasdaq chốt phiên ở mức 7.402,48 điểm, giảm 0,9%.

Theo các chuyên gia, việc lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng cũng gây sức ép tâm lý và các nhà đầu tư thận trọng trước khi cuộc họp của FED diễn ra vào ngày 31/1. Nhà phân tích Ric Spooner thuộc CMC Markets tại Sydney nhận định điều chủ yếu khiến các nhà đầu tư thận trọng là cuộc họp cuối cùng của FED dưới sự chủ trì của Chủ tịch sắp mãn nhiệm Janet Yellen.

Trong khi đó, các "ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ như Amazon, Apple và Facebook cùng với các công ty và doanh nghiệp có cổ phiếu tăng giá mạnh như Boeing, ExxonMobil và McDonald sẽ công bố báo cáo lợi nhuận trong tuần này cũng là sự kiện khiến các nhà đầu tư mong đợi. Cổ phiếu của các hãng dầu mỏ giảm do giá dầu giảm cũng góp phần khiến chỉ số chứng khoán Mỹ xuống dốc.

Làn sóng bán ra cho thấy tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư tại Mỹ và tâm lý này đã lan sang các thị trường bên kia Đại Tây Dương. Chỉ số CAC 40 ở sàn Paris (Pháp), EURO STOXX 50, DAX 30 của Frankfurt (Đức), FTSE 100 của London (Anh) đều chốt phiên với mức giảm lớn lần lượt là 0,9%, 0,9%, 1% và 1,1%.

Các thị trường châu Á cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Tại sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 1,4% còn 23.291,97 điểm. Hai chỉ số chứng khoán quan trọng của Trung Quốc là Hang Seng (Hong Kong) và Shanghai - Composite (Thượng Hải) cũng giảm lần lượt là 1,1% và 1% trong phiên giao dịch cuối ngày 30/1.

Giá vàng thế giới chạm “đáy” của một tuần

Giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất của một tuần trong phiên giao dịch ngày 30/1 giữa lúc thị trường đang dõi theo Thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như những thông tin về chính sách tiền tệ của nước này.

Giá vàng giao ngay đã để mất 0,22% xuống 1.336,99 USD/ounce vào lúc 1 giờ 49 phút ngày 31/1 theo giờ Việt Nam, sau khi đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một tuần là 1.334,1 USD/ounce lúc đầu phiên.

Giá vàng giao kỳ hạn tháng 4/2018 cũng giảm 0,% (5,1 USD) xuống khép phiên ở mức 1.340 USD/ounce.

Chỉ số USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này giảm 0,18% xuống còn 89,19.


Bên cạnh việc dõi theo Thông điệp liên bang của Tổng thống Donald Trump để tìm kiếm những nhận định về đồng USD, thị trường cũng đang đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết liệt hơn trong lộ trình nâng lãi suất của nước này. Cuộc họp của Fed  sẽ kết thúc vào ngày 31/1, giữa lúc nền kinh tế Mỹ đang phát đi những tín hiệu tích cực.

Theo nhà phân tích Jonathan Butler của công ty Mitsubishi, số liệu về thị trường việc làm Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu tới nhiều khả năng sẽ củng cố bức tranh tươi sáng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này sẽ hỗ trợ việc tăng lãi suất và qua đó tạo áp lực lên giá vàng trong thời gian ngắn hạn.

Song ông Jonathan Butler nhận định đồng USD vẫn đang trong đà đi xuống về dài hạn. Giá vàng luôn nhạy cảm với những biến động của đồng USD, do một khi đồng bạc xanh yếu đi sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản được định giá bằng đồng USD như vàng. 

Trên thị trường kim loại khác, giá bạc giảm 0,3% xuống 17,11 USD/ounce, trong khi giá bạch kim cũng để mất 0,9% xuống 995 USD/ounce sau khi đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất của một tuần là 987,49 USD/ounce trong cùng phiên.

TTXVN/Báo Tin tức
Giá dầu giảm, chứng khoán châu Á đậm trong sắc đỏ
Giá dầu giảm, chứng khoán châu Á đậm trong sắc đỏ

Trong phiên giao dịch chiều 30/1, giá dầu tiếp tục giảm; trong khi các sàn giao dịch chứng khoán ở khắp châu Á ngập trong sắc đỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN