Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/9 đã lần thứ ba tăng lãi suất kể từ đầu năm tới nay, viện dẫn tình hình kinh tế cùng thị trường việc làm vững ổn của Mỹ. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hiện ông không nhận thấy bất cứ điểm yếu nào trong hệ thống tài chính của nước này.
Chuyên gia Chris Low của công ty tư vấn FTN Financial cho biết lời phát biểu của ông Powell khá từ tốn và cho thấy Fed tự tin về việc lạm phát sẽ được kiểm soát. Điều này khiến nhà đầu tư nghĩ rằng Fed vẫn khá “thoải mái” và thị trường không cần phản ứng quá mức với việc tăng lãi suất.
Sau khi đã đi xuống trong ngày 27/9, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng trong phiên 28/9. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2% lên 26.439,93 điểm, chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,3% lên 2.914 điểm. Trong lúc chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 0,4% và khép phiên ở mức 8.041,97 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, việc đồng USD mạnh lên cũng giúp các thị trường chứng khoán châu Âu hầu hết tăng điểm do sự suy giảm của đồng euro và bảng Anh đều hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu tại đây.
Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,5% lên 7.545,44 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 0,4% lên 12.435,59 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 0,5% lên 5.540,41 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khép phiên cũng tăng 0,5% lên 3.449,79 điểm.
Riêng chỉ số FTSE MIB tại Milan (Italy) phiên này lại giảm 0,6% xuống 21.511 điểm, do thị trường lo ngại về dự luật ngân sách của Chính phủ Italy.
Trên thị trường tiền tệ, đồng euro phiên này giao dịch ở mức 1 euro đổi 1,1641 USD, giảm so với mức 1 euro = 1,739 USD trước đó. Đồng bảng Anh cũng biến động từ mức 1.3167 USD đổi 1 bảng xuống 1,3078 USD = 1 bảng.