Cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản, cuối tuần qua.
Chốt phiên giao dịch tại sàn chứng khoán New York ngày 1/7, chỉ số tổng hợp Dow Jones tăng 0,4%, lên 26.717,43 và chỉ số ngành công nghệ Nasdaq tăng 1,1% lên 8.091,16 điểm. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch cuối ngày, chỉ số S&P 500 tăng tổng cộng 0,8%, xác lập kỷ lục 2.964,33 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua thời kỳ tuột dốc hồi tháng 5 vừa qua với mức giảm tới 6,6% sau khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đổ bể, dấy lên quan ngại về nguy cơ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc giới đầu tư vẫn hy vọng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất để giữ vững đà tăng trưởng kinh tế Mỹ đã giúp các chỉ số S&P 500 và Dow Jones trong tháng 6 có "màn trình diễn" ngoạn mục nhất trong hàng chục năm qua.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) tăng 0,5% lên 5.567,91 điểm và chỉ số tổng hợp Euro Stoxx tăng 0,7% lên 3.497,59 điểm. Tại London (Vương quốc Anh), chỉ số FTSE 100 chốt phiên tăng 1% lên 7.497,50 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tăng 1% lên 12.521, điểm.
Chuyên gia Stephen Innes tại trung tâm Vanguard Markets cho rằng tâm lý của các nhà đầu tư thế giới đã lạc quan hơn khi quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được kỳ vọng có sự cải thiện. Tổng thống Trump tuyên bố các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang "trở lại đúng hướng" và Washington sẽ không áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh như đã cảnh báo.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu cách đây hơn 1 năm. Chính quyền Tổng thống Trump đến nay đã áp thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Cuộc chiến thuế quan đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu.