Các nhà phân tích cũng trích dẫn triển vọng kinh tế tốt hơn tại châu Âu, khi thời tiết ôn hòa hơn làm giảm bớt lo ngại về một cú sốc năng lượng sau các chính sách được đưa ra nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang phân tích thị trường chứng khoán Briefing.com (Mỹ) cho biết cho đến này xu hướng tăng điểm trên thị trường chứng khoán đang lan nhanh nhờ quan điểm chung rằng hoạt động kinh tế suy yếu và lạm phát giảm dần sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận ra họ không cần phải tăng lãi suất thêm nữa.
Sau khi chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm cao hơn, tại châu Âu, chỉ số DAX 30 trên sàn chứng khoán Frankfurt đóng cửa tăng 1,2% lên 14.947,91 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,8% lên 6.924,19 điểm, còn chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,4% lên 7.724,98 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 1% lên 4.099,76 điểm.
Phố Wall cũng theo xu hướng đó để khép phiên ở mức cao hơn, trong đó chỉ số S&P 500 tăng 1,3% lên 3.969,61 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8% lên 33.973,01 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,8% lên 10.931,67 điểm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo đánh giá lạm phát dự kiến công bố ngày 12/1 theo giờ địa phương, sẽ được theo dõi chặt chẽ về tác động của nó đối với chính sách của Fed.
Trong năm qua, Fed đã mạnh tay tăng lãi suất để đối phó với lạm phát ở mức cao hàng thập niên ở Mỹ, dù cho ngân hàng này đã giảm dần tốc độ tăng.
Chuyên gia Karl Haeling của ngân hàng LBBW (Đức) nhận định động lực lớn nhất hiện nay là các dự báo về lạm phát đều đang được cho là sẽ chậm lại. Trong bối cảnh xu hướng chung là lạm phát giảm, điều đó sẽ đảm bảo rằng tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực công nghệ và nhiều biện pháp để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đã làm tăng hy vọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, vốn được coi là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management có trụ sở tại Thụy Sỹ, cho biết nhiều nhà đầu tư bắt đầu tin rằng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể nhanh hơn do nhu cầu bị dồn nén, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và ít hạn chế về nguồn cung hơn.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/1, VN-Index tăng 2,41 điểm lên 1.055 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 545,1 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 8.858 tỷ đồng. Toàn sàn có 249 mã tăng giá, 137 mã giảm giá và 76 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,04 điểm lên 211,67 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 61,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 900,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 86 mã tăng giá, 60 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,11 điểm xuống 72,37 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 28,3 triệu đơn vị, tương ứng 366,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 166 mã tăng giá, 104 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.