Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống 33.618,88 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,5% xuống 4.273,53 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 1,6% và khép phiên ở mức 13.063,61 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng giảm tới gần 1%. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) đi ngang ở mức 7.625,72 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) mất 1% xuống 15.255,87 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,7% xuống 7.074,02 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,9% xuống 4.129,18 điểm.
Chuyên gia Edward Moya của công ty dịch vụ tài chính Oanda cho biết mức tăng trước đó trong phiên 25/9 không mang nhiều ý nghĩa, dù đó là phiên tăng đầu tiên sau chuỗi bốn phiên giảm điểm liên tiếp.
Theo ông, nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng có vẻ sẽ suy yếu và tình hình sẽ dễ dàng trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hơn nữa.
Một báo cáo do tổ chức phi lợi nhuận Conference Board tổng hợp cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm từ mức 108,7 trong tháng Tám xuống 103 trong tháng này. Mức giảm lớn hơn dự kiến phản ánh lực cản từ giá xăng và thực phẩm tăng cao.
Giới quan sát cho rằng thị trường đã ở trạng thái phòng thủ kể từ cuộc họp của Fed vào tuần trước, khi ngân hàng trung ương Mỹ đã giữ lãi suất ổn định nhưng báo hiệu khả năng đẩy lãi suất lên cao hơn trong năm nay.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng việc giữ lãi suất ở mức cao quá lâu hoặc tăng lãi suất lần nữa có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Những nỗi lo đó càng tăng thêm bởi mối đe dọa đóng cửa chính phủ, khi các nhà lập pháp ở Washington vẫn tranh cãi tìm cách giải quyết những khác biệt trong kế hoạch chi tiêu.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch 26/9, VN-Index giảm 15,24 điểm xuống 1.137,96 điểm.
HNX-Index giảm 1,75 điểm xuống 229,75 điểm.