Chứng khoán tuần từ 26 - 30/7: Có thể chưa thoát khỏi xu hướng giảm

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch (từ 19 - 23/7) nhiều sóng gió với các phiên tăng, giảm đan xen, chưa rõ xu hướng. Cùng đó, thanh khoản sụt giảm và khối ngoại bán ròng hơn 2.220 tỷ đồng trên toàn thị trường, khiến giới phân tích từ các công ty chứng khoán đưa ra những nhận định thận trọng về xu hướng thị trường trong tuần tới (từ 26 - 30/7).

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi thị trường tại sàn giao dịch BVSC. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Cơ hội đầu tư trung, dài hạn?

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), việc thanh khoản tuần qua tiếp tục giảm sút dù mức giảm không nhiều, cho thấy lực cầu bắt đáy vẫn khá “dè dặt” và thể hiện phần nào tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng, trong bối cảnh đợt bùng phát thứ tư của dịch COVID-19 tiếp tục có thêm nhiều diễn biến phức tạp.

Thị trường bắt đầu có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành khi nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình đi ngược lại diễn biến giảm điểm của chỉ số chung và cổ phiếu vốn hóa lớn; trong đó, đáng chú ý là các ngành bất động sản, cảng biển... Dù vậy nhìn chung, chỉ số vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng điều chỉnh giảm.

Theo VCBS, mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập quanh ngưỡng 1.270 điểm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu lại danh mục và giải ngân tích lũy dần các cổ phiếu mục tiêu với tỷ trọng nhỏ, nhưng vẫn cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư và nên tránh mua đuổi trong những phiên tăng điểm.

“Chúng tôi vẫn kỳ vọng, những cơ hội đầu tư mới sẽ xuất hiện nhiều hơn khi diễn biến của các chỉ số chung ổn định trở lại. Do đó việc giải ngân tại thời điểm này nên thiên về các cơ hội đầu tư trung và dài hạn, trên cơ sở kỳ vọng về kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong hai quý còn lại của năm 2021”, chuyên gia từ VCBS khuyến nghị.

Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho rằng, về mặt kỹ thuật, VN-Index giảm mạnh và mất vùng hỗ trợ quanh mốc 1.280 điểm trong phiên cuối tuần qua. Điều này khiến các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục cho thấy sự lấn át của xu thế giảm trong ngắn hạn.

Nhiều khả năng, VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh trong các phiên đầu tuần tới và không loại trừ khả năng kiểm định lại đáy cũ quanh vùng 1.220-1.230 điểm.

Công ty chứng khoán này cũng khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và chỉ giải ngân cho các mục tiêu ngắn hạn, khi có tín hiệu hồi phục rõ ràng.    

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định phiên cuối tuần, VN-Index đã giảm trở lại vùng thăm dò 1.265 - 1.275 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước đó, cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng. Tuy nhiên, áp lực này chưa quá lớn và cần chờ thêm tín hiệu thăm dò cung - cầu tại vùng quanh 1.270 điểm.

“Do diễn biến thị trường khá nhạy cảm trong ngắn hạn nên nhà đầu tư nên quan sát diễn biến giao dịch và giữ tài khoản ở mức cân bằng”, VDSC khuyến nghị.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) có nhận định khá lạc quan khi cho rằng, trên góc nhìn kỹ thuật, với việc kết thúc tuần giao dịch trên ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm thì VN-Index vẫn còn khả năng hồi phục trong tuần tiếp theo để hướng đến vùng quanh 1.300 điểm. Tuy nhiên, khả năng thị trường rung lắc trong phiên đầu tuần là có thể xảy ra.

Về diễn biến thị trường, tuần qua là tuần thứ ba liên tiếp VN-Index đi xuống, cùng đó thanh khoản tiếp tục suy giảm. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 30,48 điểm xuống 1.2,83 điểm; HNX-Index giảm 5,99 điểm xuống 301,77 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó, tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất với khoảng 20.500 tỷ đồng mỗi phiên.

Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5,2% xuống 91.540 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 4% xuống 2.858 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 18,9% xuống 11.200 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 22,1% xuống 498 triệu cổ phiếu.

Theo SHS, thị trường điều chỉnh khiến cho gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự sụt giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 4,8% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu giảm mạnh như: ACB giảm 1,8%, TCB giảm 4,1%, MBB giảm 4,6%, VCB và BID đều giảm 5,4%, SHB giảm 6%, CTG giảm 6,2%, VPB giảm 9,3%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức giảm 3,3% giá trị vốn hóa. Các mã trụ cột trong nhóm này như: PLX giảm 1,8%, BSR giảm 3,9%, OIL giảm 4%, PVS và giảm PVC 6,5%, PVD giảm 10,2%...

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm 2,5% giá trị vốn hóa. Cụ thể, các mã như: VJC giảm 1,7%, MWG giảm 3,8%, HVN và ACV đều giảm 3,9%...

Các nhóm còn lại đều giảm như tiện ích cộng đồng giảm 1,7% giá trị vốn hóa, tài chính giảm 1,3%, nguyên vật liệu giảm 0,8%, hàng tiêu dùng giảm 0,6%.

Ở chiều ngược lại, nhóm công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa. Các mã vốn hóa lớn trong nhóm như: FPT tăng 4,3%, CMG tăng 0,8%...

Tiếp theo, nhóm công nghiệp tăng 0,5% giá trị vốn hóa; nhóm dược phẩm và y tế tăng 0,2% giá trị vốn hóa.

Có thể nhường chỗ cho đà tăng mới

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có diễn biến trồi sụt thất thường, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tin rằng những phiên giảm sẽ nhường chỗ cho đà tăng mới khi việc triển khai tiêm chủng vaccine ngày càng mở rộng bất chấp nỗi lo về biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Phiên cuối tuần 23/7, các thị trường chứng khoán ở châu Á ghi nhận trái ngược nhau. Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà giảm tại khu vực châu Á, khi chứng khoán Hong Kong không duy trì được đà tăng của ngày hôm trước.

Chỉ số Hang Seng đã giảm 401,86 điểm xuống 27.321,98. Nhóm cổ phiếu của các công ty công nghệ cũng đi xuống vì những lo ngại mới về động thái thắt chặt kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực này.

Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng để mất 24,34 điểm xuống 3.550.40 điểm trong phiên này.  Các thị trường Singapore, Bangkok và Jakarta cũng chìm trong sắc đỏ.

Ở chiều ngược lại, chứng khoán Hàn Quốc đã tăng phiên thứ hai liên tiếp nhờ sự lạc quan đối với các báo cáo kinh doanh và tín hiệu ôn hòa trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã bù đắp cho nỗi lo về tình hình dịch bệnh tại Seoul.

Chỉ số Kospi phiên này tăng 4,21 điểm lên 3.254,42 điểm. Chỉ số Sydney, Wellington và Mumbai cùng tiến cao hơn một chút trong khi thị trường chứng khoán Đài Bắc (Trung Quốc) hầu như không biến động. Chứng khoán Tokyo đóng cửa nghỉ lễ trong phiên này.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, tuần qua đã có tới 4 phiên tăng điểm liên tiếp, giúp đưa cả ba chỉ số lớn của Phố Wall lên mức cao kỷ lục mới. Điều này có được là nhờ những báo cáo kinh doanh lạc quan và dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế.

Phiên cuối tuần 23/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa trên ngưỡng 35.000 điểm. Đây là lần đầu tiên sau 5 lần Dow Jones vượt ngưỡng này mà không thể duy trì thành công tới lúc đóng cửa phiên giao dịch.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7%, lên 35.061,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1% lên 4.411,79 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến 1% lên mức 14.836,99 điểm. 

Nhờ mạch tăng 4 phiên liên tiếp, tính chung trên cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 1,1%, chỉ số S&P 500 tăng 2% và chỉ số Nasdaq ghi thêm 2,8%.

Văn Giáp (TTXVN)
Chứng khoán tăng, dòng tiền lan tỏa mạnh
Chứng khoán tăng, dòng tiền lan tỏa mạnh

Phiên giao dịch chứng khoán chiều 22/7 diễn ra khá ấn tượng với chỉ số điểm bật tăng, giao dịch sôi động và dòng tiền tỏa lan toàn thị trường nhờ lực mua dâng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN